Tổng hợp thị trường bất động sản châu Á quý III: Trung Quốc, Hong Kong gặp khó, các nước Đông Nam Á dần hồi phục

Ngày đăng: 05/11/2021

Chia sẻ

Công ty bất động sản Savills đã công bố báo cáo xu hướng đầu tư bất động sản tại châu Á trong quý III. Đáng chú ý, sự thận trọng là yếu tố được nhìn thấy rõ nét nhất.

Trung Quốc

Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính của các công ty bất động sản kết hợp cùng những chính sách bị thắt chặt bởi chính phủ đã tạo ra áp lực cho thị trường, khiến một số người cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ. Một số doanh nghiệp lớn đối mặt tình trạng vỡ nợ khi không thể thanh toán các khoản nợ đúng hạn cũng như đảm quyền lợi cho các bên liên quan.

Hong Kong

Những thách thức mới đã xuất hiện khi câu chuyện về “bom nợ” Evergrande bắt đầu mở ra. Việc chính phủ Trung Quốc đưa ra một loạt điều chỉnh đã gây ra tác động tiêu cực tới lĩnh vực cho thuê văn phòng. Trong khi đó, sự hồi phục của thị trường bán lẻ chưa được đảm bảo.

Ấn Độ

Sự chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định trong làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai đã ảnh hưởng xấu đến các khoản đầu tư. Dòng vốn đầu tư PE vào lĩnh vực bất động sản tại Ấn Độ trong quý III giảm 45% so với quý II. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực dần tới khi các nhà đầu tư quan tâm tới việc mở các trung tâm R&D tại nước này.

Indonesia

Việc đối phó tương đối tốt với đại dịch Covid-19 khiến niềm tin của các nhà đầu tư về thị trường Indonesia tăng lên. Một số chủ đầu tư sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng thị trường. Doanh số bán nhà tăng trong quý III. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm cho thị trường trung tâm dữ liệu tại nước này.

Nhật Bản

Những hy vọng về bộ máy chính phủ mới cùng với đó là tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh đang mở đường cho sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Malaysia

Tổng lượng giao dịch trong ba quý đầu năm 2021 lên tới hơn 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore

Nhu cầu triển khai vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Singapore tăng cao, thậm chí vượt qua những trở ngại mà đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này chứng minh Singapore vẫn là một trong những thị trường bất động sản ổn định nhất châu Á.

Hàn Quốc

Trong quý III, thị trường Hàn Quốc chứng kiến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở. Chính điều này đã đưa người mua tới lựa chọn thay thế là căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn (Officetel). Giá của phân khúc này đã tăng đáng kể.

Đài Loan

Ngân hàng Trung ương Đài Loan công bố một vòng kiểm soát tín dụng khác để hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, khủng hoảng điện tại Trung Quốc có thể là một chất xúc tác khác để các công ty Đài Loan đang hoạt động tại thị trường tỷ dân quay về quê nhà. Trong thời gian tới, giá bất động sản công nghiệp tại Đài Loan nhiều khả năng tăng lên.

Thái Lan

Việc nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội cũng như đẩy mạnh tiêm chủng đang góp phần giúp nền kinh tế Thái Lan quay trở lại sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Nền kinh tế mới nổi này chứng kiến nhu cầu tăng ở một số phân khúc như cho thuê văn phòng, trung tâm dữ liệu và logistics.

Việt Nam

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, với thị trường bất động sản đạt tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 1,78 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Các dự án nằm trong khu vực trung tâm, có dư địa để phát triển hạ tầng và các tiện ích gia tăng giá trị là tâm điểm của thị trường

Anh Nguyễn (Savills)

Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP