Bản thể của logo là một thiết kế đồ họa (Graphic design) 2 chiều. Mục đích chính của biểu trưng là thể hiện các đặc trưng của đối tượng, qua đó đối tác nhận biết đối tượng là gì, là ai, như thế nào…Do vậy các thủ pháp thể hiện đặc trưng là thế giới sáng tạo của nhà thiết kế.
Có thể dùng thủ pháp hình ảnh tượng trưng trực tiếp, tỉ như trường học thì hay dùng quyển sách, ô tô thì vô lăng, địa danh như Hà Nội dùng Khuê Văn Các…
Cũng dùng hình ảnh tượng trưng nhưng trừu tượng và liên tưởng như Google, Adidas, Apple, Toyota…thông qua một giá trị văn hóa trừu tượng nào đó để liên tưởng đến đối tượng nhận biết.
Chữ viết, ngôn ngữ là một thủ pháp trực tiếp để nhận diện, đơn giản và hiệu quả. Rất phù hợp với các logo địa danh. Tạo hình chữ cũng là một thủ pháp thiết kế biểu trưng. Tạo hình một chữ tiêu biểu có thể là một logo rồi. Trường hợp logo của Hughes Holdings chỉ là một chữ H và bóng của nó đổ xuống đủ để làm nên một biểu trưng tinh gọn, đẳng cấp.
Có nhiều biểu trưng không mang một hình ảnh tượng trưng liên quan nào với đối tượng, nhưng lại là biểu trưng của đối tượng. Loại này được gọi là biểu trưng võ đoán hay biểu trưng tùy ý (arbitrary logo) như hình ảnh con lạc đà là nhãn hiệu của thuốc lá Camel, hay tên sông Amazon là thương hiệu của một hãng buôn trực tuyến…
Vấn đề của tạo hình đồ họa biểu trưng là chọn những tín hiệu, những đặc trưng tiêu biểu nhưng với hình ảnh có đường nét tối thiểu. Những nét này trong visual design gọi là nét có nghĩa. Nếu không hình ảnh biểu trưng sẽ gặp trường hợp “hình chồng hình, ý chồng ý” nhận biết thị giác bị rối, ý nghĩa phân tán, khó để lại dấu ấn cho người xem. Các biểu trưng của ta thường mắc lỗi này. Hình ảnh nào cũng muốn đưa vào logo, ý nghĩa nào cũng muốn có trong biểu trưng. Những hình ảnh và ý nghĩa kiểu này thường là tả thực thiếu chất tượng trưng, liên tưởng.
Như đã nêu trên, ngôn ngữ chính của biểu trưng là thiết kế đồ họa, chủ yếu là đường nét và màu sắc. Nếu chỉ xét về phần hình, thì hình phải súc tích, nét tối thiểu, màu thường dùng tương phản, điều này tạo được ấn tượng và điểm nhớ được khắc ghi nhanh. Đây là cái tinh của nhà thiết kế. Nếu chỉ nói về phần ý thì chỉ nên chọn ý nghĩa đặc trưng hơn là ý nghĩa biểu đạt. Điều này là rất khó cho nhà thiết kế vì là chủ đầu tư thường muốn đưa vào nhiều ý, nhiều hình trong logo.
Không giống như các thể loại đồ họa khác như thiết kế bao bì, poster quảng cáo, hay biển hiệu…một logo có đời sống lâu hơn và hầu như không thay đổi. Theo thời gian, các ý nghĩa ban đầu có thể thay đổi theo sự phát triển của đối tượng nhưng hình ảnh biểu trưng thì không đổi được, chỉ có thể cải tiến, điều chỉnh để phù hợp với thời cuộc, như các trường hợp logo của Shell, Apple và Starbucks…
Là một thiết kế đồ họa – Graphic Design, một biểu trưng tốt cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ngoài giá trị biểu trưng cho đối tượng, logo là một lĩnh vực sáng tạo thẩm mỹ hấp dẫn nhiều nhà thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa hay kiến trúc sư. Hình ảnh tối thiểu nhưng diễn đạt khái quát luôn hấp dẫn các nhà thiết kế tạo hình. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật tạo hình khác, logo có các xu hướng, trường phái khác nhau tồn tại trong thời gian. Có logo tả thực, diễn ý cụ thể; có logo tối giản, diễn hình liên tưởng, ý nghĩa trừu tượng; có logo hiện đại, hình ảnh quy tắc theo khuôn thức thị giác, ý nghĩa trực tiếp; có logo hậu hiện đại, hình ảnh bất quy tắc, ý nghĩa tùy ý võ đoán. Logo cũng phát triển từ tĩnh tại đến chuyển động, từ đơn sắc đến đa sắc.
Không giống như các tác phẩm tạo hình khác có thể mang trong mình nhiều ý nghĩa, các biểu trưng cao cấp thường chỉ mang một ý nghĩa đặc trưng, gợi ý nhiều liên tưởng. Bởi vậy, khi nêu ra các yêu cầu thiết kế biểu trưng, các chủ đầu tư cần chọn một đặc trưng tiêu biểu vì biểu trưng không phải là một cuốn sách mà chỉ là một chớp nhìn để thấy rồi nhận biết đối tượng thị giác là gì.
Nhận thức thị giác là nhận thức hình ảnh, đường nét, màu sắc vì vậy mà hình ảnh phải đặc trưng, đường nét phải có nghĩa, màu sắc phải hài hòa và tương phản. Nhận thức thị giác với biểu trưng cần tối thiểu các yếu tố tạo hình. Hơn nữa quy mô các biểu trưng thường không lớn, nếu qua nhiều yết tố chồng xếp lên nhau, hình ảnh và ý nghĩa không vì thế mà đậm lên, mà ngược lại chúng bị phân rã và rối hình, rối ý.
Ấn tượng thị giác và thời khắc ghi nhớ luôn là yêu cầu hàng đầu của một biểu trưng.
Nguyễn Luận
© Tạp chí Kiến trúc