Phố đi bộ Hồ Xuân Hương – Một số điều cần lưu ý

Ngày đăng: 13/08/2024

Chia sẻ

Đường vòng hồ Xuân Hương là một trục di sản, vì vậy việc thí điểm phố đi bộ dọc hồ Xuân Hương (từ nút giao Trần Quốc Toản – Đinh Tiên Hoàng đến Vườn hoa TP với chiều dài 1,6km) cần ưu tiên bảo tồn cảnh quan.

Cách đây hơn 130 năm, khi bắt đầu xây dựng thành phố Đà Lạt, Người Pháp chú tâm thiết kế ba khu vực có cảnh quan đẹp nhất, ba khu vực này gồm:

  • Khu Hòa Bình bao gồm chợ Đà Lạt rạp Hòa Bình đồi Dinh và Dinh Tỉnh Trưởng
  • Hồ Xuân Hương và Đồi Cù.
  • Trục di sản Đông Tây (Tuyến đường Trần Hưng Đạo).

Nguồn ảnh: Mai Vinh


Hồ Xuân Hương là một trong ba khu vực cảnh quan đẹp nhất và thành phố Đà Lạt đang đề xuất xây dựng phố đi bộ ven hồ dài 1,6 km. Tuy nhiên, để thực hiện thành công ý tưởng này, thành phố Đà Lạt cần làm rõ có một số băn khoăn sau:

1. Về giao thông

Tuyến phố đi bộ Hồ xuân Hương quá dài nên gây bất tiện. (1600m, so với phố đi bộ Hồ Gươm (870 m) và Nguyễn Huệ (670 m). Khác với phố đi bộ Hồ Gươm và Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương chỉ có một con đường độc đáo vòng quanh hồ, gây khó khăn cho việc đón xe tại các điểm đầu và cuối. Địa hình quanh hồ bằng phẳng, nhưng tất cả các tuyến đường xung quanh có độ dốc đều đổ xuống đường quanh hồ, khiến việc ngắt một phần đường để phục vụ phố đi bộ có thể làm tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào cuối tuần. Hơn nữa, mặt cắt ngang của đường vòng quanh Hồ Xuân Hương rất hẹp (khoảng 10 m), không có không gian giao thông hỗ trợ. Khu vực này không có các shop house hoặc dịch vụ thương mại, không hỗ trợ được các chức năng để tuyến đi nbộ trở nên hoàn chỉnh. Đây là một điểm khác biệt lớn so với phố đi bộ Hồ Gươm (mặt cắt ngang trung bình 24m, có những nơi rộng hơn 70m như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực trước tượng đài quyết tử cho tổ quốc quyết sinh), và Nguyễn Huệ có độ rộng đường tới 64m, nơi có nhiều dịch vụ hỗ trợ và không gian rộng rãi.

2. Lưu ý lựa chọn công năng tích hợp trong phố đi bộ

Phố đi bộ ở mỗi đô thị đều có đặc thù riêng, phù hợp với đô thị của mình để giới thiệu được với du khách thương hiệu địa phương. Tuy nhiên việc lực chọn công nang nào mới được xuất hiện trong phố đi bộ thì còn phụ thuộc vào đặc điểm vị trí của nơi đó. Phố đi bộ Nguyễn Huệ Được hỗ trợ bởi hàng loạt các khách sạn nhà hàng và có thêm vỉa hè rất lớn của dãy nhà hai bên các phố. Đặc điểm quy hoạch tuyến phố kiểu ô cờ tạo ra các điểm kết nối ngang cắt qua trục Nguyễn Huệ tạo điều kiện thoát người, bố trí các điểm tiếp cận và đón xe rất tốt. Vì có các công năng hỗ trợ mà trên khu vực trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ không có các công năng về thương mại, dịch vụ…mà chỉ tập trung cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa của người dân. Hà Nội cũng vậy, phố đi bộ Hồ Gươm cũng có những tuyến cắt ngang từ phố cổ hoặc là từ phố Đinh Lễ hay tuyến Hàng Khay, Tràng Tiền để đón khách du lịch. Ngay gần phố đi bộ Hồ Gươm là khu phố cổ với đủ các loại hình dịch vụ, thương mại rất sầm uất. Vì vậy Hồ Gươm dành hoàn toàn khu vực đi bộ này cho hoạt động văn hóa, biểu diễn ngoài trời mà không có dịch vụ, thương mại tại đây. Nhờ có cấu trúc rõ ràng về phân khu chức năng (zoning) nên cả 2 địa điểm: Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) đều khá thành công. Tuy nhiên Hồ Xuân Hương thì chỉ có một đường độc đạo quanh hồ và việc đón xe thì chỉ có thể ở hai đầu điểm đầu và điểm cuối, giao thông dọc tuyến cần được ưu tiên thông suốt. Nếu đưa các chức thương mại, dịch vụ vào sẽ gây ách tắc và sẽ bị lẫn chức năng với khu chợ Hòa Bình vốn rất sầm uất và có nét riêng. Thêm thương mại, dịch vụ tại đây sẽ gây khó khăn cho các tiểu thương khu vực chợ Hòa Bình. Mặt khác, khu vực này giáp Hồ, không gian trống trải, sẽ rất lạnh vào mùa mưa và thời gian gần Noel đến Tết Nguyên Đán. Thành phố cần nghĩ đến giải pháp tránh mưa, tránh gió lạnh cho khách du lịch…

3. Về bảo tồn cảnh quan tự nhiên

Hồ Xuân Hương là khu vực trung tâm cảnh quan, là trái tim của Đà Lạt xưa và nay. Trong đồ án quy hoạch Đà Lạt 1923 của kiến trúc sư Hébrard, Hồ Xuân Hương được xem là điểm quan trọng nhất để triển khai tất cả các ý tưởng cảnh quan. Quy tắc thiết kế đô thị khi đó là: “Các công trình kiến trúc quan trọng ở trung tâm Đà Lạt đều phải nhìn được xuống hồ xuân Hương và đều nhìn thấy núi Langbiang”. Từ Hồ Xuân Hương, 1 góc rộng khoảng 90 độ được mở về phí cao nguyên Lang Biang, khu vực đó được gọi là “Vùng bất kiến tạo”- là khu vực không xây dựng. Khu vực này bao gồm cả đồi Cù và 1 phần Đồi Dinh (khu vực có Dinh Tỉnh Trưởng). Cảnh quan thiên nhiên, địa hình dốc, thảm thực vật lớn… là những điều kiện đặc thù và hấp dẫn của Đà Lạt cũng như của khu vực hồ Xuân Hương. Vì vậy, dự án cần ưu tiên bảo tồn cảnh quan để đảm bảo hình ảnh thiên nhiên này không bị phá vỡ. Không thể xây dựng các kiot bán hàng dọc theo hồ Xuân Hương (tuyến Trần Quốc Toản). Nếu có, các kiot phải được nghiên cứu, cho ngầm vào các ta-luy để nó không xuất hiện, cản chở hướng nhìn lên LangBiang. Việc lựa chọn các thiết bị đô thị, thiết kế các chức năng hỗ trợ cho tuyến đi bộ này rất cần cân nhắc về hình thức, quy mô để cảnh quan vẫn giữ được sự hài hòa với thiên nhiên như nó vốn có hơn 130 năm nay.

Kết luận

Việc tạo tuyến phố đi bộ hồ Xuân Hương để khai thác cảnh quan ban đêm cho khu vực này, cộng thêm những điểm hấp dẫn vào chuỗi hoạt động của khách du lịch khi đến Đà Lạt là chủ trương đúng đắn. Nhưng để thành công, sau đợt thí điểm này, thành phố cần tham vấn chuyên gia kinh tế, quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản… đánh giá kỹ lưỡng về kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch và đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành.. tránh đầu tư lãng phí và tránh được những lỗi có thể xảy ra. Hồ Xuân Hương là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, mọi hoạt động diễn ra tại khu vực này đều được sự quan tâm của cả nước. Hy vọng tỉnh Lâm Đồng và Thành Phố Đà Lạt sẽ đầu tư bài bản và xứng tầm với địa điểm quan trọng này.

Nguyên Hạnh Nguyên – Đại học Nguyễn Tất Thành
Theo Tapchikientruc

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP