Tản mạn về biểu trưng của quận Hoàn Kiếm

Ngày đăng: 08/08/2022

Chia sẻ

Có thể nói 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đều có di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa gắn liền với sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội trong hơn 1.000 năm qua. Tuy nhiên Hoàn Kiếm được coi là vùng lõi của mảnh đất lịch sử này.

Thời Lý, Thăng Long có 61 phường, cơ bản chia làm 3 khu vực: Sản xuất hàng thủ công, buôn bán và làm nông nghiệp. Khu vực buôn bán, sản xuất hầu như nằm trên đất quận Hoàn Kiếm vì xưa có sông Tô Lịch, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương. Đến thời Trần, Thăng Long vẫn giữ nguyên 61 phường, cấu trúc kinh tế cơ bản không khác nhiều so với thời Lý. Nhưng đến đời Lê, Thăng Long có sự thay đổi, chỉ còn lại 36 phường. Phủ Trung Đô (sau đổi thành phủ Phụng Thiên) có nhiệm vụ quản lý dân kinh thành, đóng tại khu vực bệnh viện Việt Đức ngày nay. Sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long đã chuyển kinh đô vào Huế năm 1802. Thăng Long bị hạ cấp xuống trấn và chữ Thăng Long với nghĩa rồng bay cũng đổi thành nghĩa thịnh vượng. Gia Long cũng sai phá thành nhà Lê xây lại thành mới với qui mô nhỏ hơn. Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn có nhiều thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi. Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm chiếm tỉnh Hà Nội. Năm 1888, họ lấy huyện Thọ Xương (phần đất quận Hoàn Kiếm ngày nay) một phần huyện Vĩnh Thuận thời Nguyễn lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Dù địa giới hành chính thay đổi, tên gọi thay đổi, song từ khi Lý Công Uẩn khai sáng kinh thành Thăng Long cho đến nay, có một điều không thay đổi là vùng đất Hoàn Kiếm vẫn là khu vực trung tâm của Thăng Long-Hà Nội. Tên nôm Kẻ Chợ xuất hiện từ thế kỷ 15 cũng bắt nguồn từ việc buôn bán ở khu vực này, nó chính là cơ sở để xuất hiện các phố “Hàng…” sau này.

Vì nằm trong kinh thành và là khu vực trung tâm nên Hoàn Kiếm xưa cũng có nhiều công trình tôn giáo văn hóa, lịch sử. Thời Lý, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng chùa Báo Thiên (khu vực Nhà Thờ lớn ngày nay), chùa có tháp Báo Thiên rất cao được xếp là một trong Tứ đại khí của nước Đại Việt xưa. Hoàn Kiếm có đền Bạch Mã với truyền thuyết gắn với việc xây thành của Lý Công Uẩn và là một trong tứ trấn của Thăng Long.

Nhưng Hoàn kiếm có danh thắng có một không hai, đó là hồ Hoàn Kiếm. Tên này gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Qui sau khi đánh tan giặc Minh. Khi Pháp lập thành phố Hà Nội, họ đã cải tạo lại khu vực phố cổ và xây dựng khu phố mới theo kiểu Phương Tây ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm thì bộ mặt vùng đất này đã thay đổi. Họ cũng xây dựng nhiều công trình lớn để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất trong đó nổi bật là cầu Long Biên, ga Hàng Cỏ và đặc biệt là Nhà Hát lớn. Tất cả các công trình này đều nằm trên đất quận Hoàn Kiếm.

Thời kỳ bao cấp, kinh tế đất nước khó khăn song nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Cung Văn hóa Hữu nghị bề thế dành cho người lao động được xây dựng trên đất Hoàn Kiếm. Để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010, năm 2004 Hà Nội đã dựng tượng vua Lý Công Uẩn, vị vua có công khai sáng ra kinh thành Thăng Long ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Và trong khuôn viên tượng đài cột mốc số 0 quốc gia sẽ xây dựng. Ngày nay, nói đến phố cổ người ta liên tưởng đến quận Hoàn Kiếm, nói kiểu văn chương “36 phố phường” người ta cũng nghĩ ngay đến quận Hoàn Kiếm. Có một điều rất ít người biết là tiếng Hà Nội “chuẩn” cũng có xuất xứ từ quận Hoàn Kiếm xưa.

Khi xây dựng biểu trưng một địa danh hành chính, mặc nhiên người ta sẽ tìm những giá trị riêng có của vùng đất đó. Nó có thể là di sản văn hóa vật thể độc đáo, có thể là sản phẩm nổi tiếng, có thể là thắng cảnh… Chọn cái gì không quan trọng và xưa hay nay cũng không quan trọng, vấn đề là nó phải có ý nghĩa và phải có tính biểu tượng cao. Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ xứng đáng để đưa vào biểu trưng nhưng lại khó vì người này chọn mẫu này, người kia chọn mẫu kia, và ai cũng có lý lẽ riêng.

Trong một số việc, đôi khi rất khó tìm được sự đồng thuận khiến dự án bị kéo dài, vì thế Hoàn Kiếm có thể tham khảo cách mà Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện khi lựa chọn mẫu tượng Lý Công Uẩn – Tức là các thành viên hội đồng thống nhất trình các mẫu, còn chọn mẫu nào là do đại diện ủy ban – chủ đầu tư và Hội đồng nhân dân thành phố – đại diện cho nhân dân quyết định.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
© Tạp chí Kiến trúc

Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP