Trong bối cảnh dân số gia tăng trong khi đất đai có hạn, mô hình đô thị tập trung có tính hiệu quả cao là xu hướng phát triển tất yếu cho các đô thị lớn tại Việt Nam. Trong đó công trình cao tầng đóng vai trò quan trọng nhờ tăng hệ số sử dụng đất, tích hợp được nhiều cơ sở tiện ích với khoảng cách đi lại ngắn, giảm thiểu các vấn đề của ô nhiễm môi trường, tránh tắc nghẽn giao thông… Thế nhưng thực tiễn cho thấy, lẽ ra những địa điểm nhà cao tầng tọa lạc phải là nơi hạ tầng phục vụ dân sinh hoàn thiện nhất tại các khu đô thị mới và giúp cải thiện kết cấu hạ tầng tại vùng đô thị cũ, thì chúng lại trở thành điểm tập trung đông người, thường xuyên gây ùn tắc… Nguy cơ nhà cao tầng mọc ở đâu, quá tải hạ tầng lan đến đó rõ ràng đến mức dư luận phải báo động: “Giao thông vỡ trận vì nhà cao tầng đúng quy hoạch”. Ví dụ kẹt xe trên các trục đường mới mở, hiện tượng đỗ xe tràn lan hàng hai, hàng ba dưới lòng đường bất chấp biển cấm tại các trục đường mới (xem hình 1) hoặc ùn tắc giao thông cục bộ tại các đầu mối vào công trình cao tầng xen cấy trong đô thị cũ như Tổ hợp Vincom Bà triệu, Sài gòn Center… diễn ra thường xuyên.
Dẫn đến tình trạng trên, một phần do các chủ đầu tư bớt xén không thi công đủ các không gian phục vụ cộng đồng như giấy phép được duyệt, thậm chí coi “tận dụng hạ tầng sẵn có” như một lợi thế, tận dụng mọi không gian để sinh lời. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là công tác quản lý đô thị: Năng lực yếu và cơ sở pháp lý bất cập, kém nhanh nhạy với thực tế.
Rất cần có chiến lược khai thác các tiến bộ Khoa học Kỹ thuật nhằm tận dụng triệt để không gian đô thị gắn với nhà cao tầng, biến nguy cơ thành cơ hội góp phần nâng cao năng lực giao thông, dịch vụ và tạo lập không gian mở đô thị. Trong đó, không gian ngầm dưới các tòa nhà chiếm 1 vị trí quan trọng bởi thể loại này rất phù hợp với việc chỉnh trang đô thị do cần vốn đầu tư nhỏ, thực hiện nhanh gọn và mang lại hiệu quả tức thời cho hoạt động đô thị; đồng thời là tiền đề để đa chức năng hóa không gian, có thể giúp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bằng mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Các nhà nghiên cứu không gian ngầm đô thị đã chỉ ra rằng: Muốn đáp ứng yêu cầu phát triển mang tính thời đại – đặc biệt là đô thị cũ cổ, phải tận dụng mọi cơ hội, địa điểm có thể trong TP để phát triển không gian ngầm một cách linh hoạt. Các không gian ngầm ngày càng được sử dụng nhiều hơn, phạm vi công năng bao trùm hơn, hình thức đa dạng và quy mô ngày càng lớn hơn. Tại Việt Nam, có thể áp dụng các nhóm giải pháp tổ chức Trung tâm ngầm dịch vụ công cộng với các mô hình rất đa dạng như Xen cấy Trung tâm ngầm dịch vụ công cộng nhằm chia tải cho mặt đất trong khu vực thiếu quỹ đất, Lồng ghép chức năng dịch vụ trong công trình giao thông và Kiến tạo Trung tâm ngầm đồng bộ tại các khu tái thiết và phát triển mới (1). Tuy vậy, trước khi hình thành hệ thông không gian ngầm vốn đòi hỏi vốn lớn và thời gian không ngắn, việc tận dụng khối tích tầng hầm các công trình cao tầng trong vùng sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong vai trò hoàn thiện hạ tầng đô thị. Tầng hầm trước đến nay vẫn thường được coi là “không gian phụ trợ”, gói gọn trong công trình xây dựng và chức năng, quy mô chỉ được tính toán nhằm đáp ứng nhu cầu của chính nó thì nay cần có quan điểm rộng mở hơn để phát triển, tái thiết đô thị: Tầng hầm nhà cao tầng cần có nghĩa vụ bổ sung cơ sở vật chất, bù đắp khiếm khuyết cho hệ thống giao thông, dịch vụ chung và tái lập không gian mở trong vùng.
Để đạt mục đích này, mỗi không gian ngầm phải đạt được ba kết:
Đầu tiên, đặc tính ẩn giấu của không gian ngầm có thể tạo ra nhiều lối tiếp cận từ nhiều hướng thay vì chỉ có một lối vào duy nhất. Ngoài việc thuận tiện cho người dân dễ dàng tiếp cận công trình từ nhiều nơi, còn giúp giải tỏa giao thông, tránh ùn tắc cục bộ tại lối vào duy nhất như Trung tâm thương mại Time City, Royal City (Hà Nội) đang gặp phải. Các tầng hầm nằm chìm trong lòng đất cho phép tổ chức phân lớp để tách bạch các đường cho người và hàng hóa, để phân luồng người tới các không gian khác nhau: Mặt đất, tầng hầm và các tầng phía trên một cách an toàn và tiện dụng. Khéo léo có thể tổ chức lệch cốt sàn để nhân đôi mặt tiền cho diện tích kinh doanh – từ vỉa hè bước lên sàn lửng và bước xuống sàn bán âm cho các gian hàng nằm ở đế các tòa nhà cao tầng (xem hình 2).
Tiếp theo, nó cũng cho phép tạo ra và kết nối với đường bộ hành ngầm để liên kết các tòa nhà với nhau, kể cả giữa các địa bàn khác nhau. Từ đó có thể tạo ra các lối đi bộ thuận tiện, an toàn dưới lòng đất với các nút giao thông, các tiện ích sử dụng chung (để xe, vệ sinh, các dịch vụ công ích khác) cho cả các tòa nhà lẫn dân cư trong địa bàn. Đây là tiền đề để hình thành mạng lưới ngầm như các “Thành phố ngầm” tại Canada hoặc mô hình liên kết ngầm các tòa nhà tại khu phố thương mại sầm uất Orchat (Singapore, xem hình 3)
Tích hợp ga Metro trong tầng hầm công trình là dạng kết nối mang lại hiệu quả rất cao. Vừa không mất diện tích đất bề mặt cho lối lên xuống, lại dễ dàng kết nối với mặt đất như 1 điểm trung chuyển giữa phương tiện giao thông cá nhân, bộ hành và giao thông công cộng. Đồng thời là điểm cung cấp dịch vụ, thương mại quy mô lớn cho khách đi tàu và cư dân trong vùng.
Ảnh 2: Tổ chức tầng hầm bán âm để nhân đôi mặt tiền cho diện tích kinh doanh cho các gian hàng nằm ở đế các tòa nhà cao tầng tại Quảng châu-TQ
Kết nối và đa năng hóa công trình ngầm một cách khéo léo sẽ mang lại nhiều cặp lợi ích một lúc. Với người dân, có thêm địa điểm gửi xe, mua sắm và lối giao thông qua lại thuận tiện. Với nhà đầu tư, xây dựng thêm tầng hầm tuy làm tăng chi phí ban đầu nhưng lại dễ dàng hoàn vốn nếu chúng được khai thác đa ngành cho mọi đối tượng (như hiệu quả của Sense Market-khu chợ thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TP HCM). Triết lý kinh doanh “mang dịch vụ tiếp cận với người dùng” sẽ tạo ra lượng khách lớn cho các tầng trên khi kết nối tầng hầm với mặt đất. Với xã hội, đây là giải pháp phù hợp tiêu chí của phát triển bền vững đô thị: Nâng cao hệ số sử dụng đất, cải thiện đáng kể hệ thống dịch vụ công cộng, kết nối địa bàn giúp giảm tải cho vùng đô thị hiện hữu và hoàn thiện cấu trúc quy hoạch – kiến trúc tổng thể mà vẫn bảo tồn hình thức của không gian đô thị vốn có. Cuối cùng, điều này lại làm tăng giá trị bất động sản cả vùng mà chủ đầu tư tòa nhà và người dân trong vùng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp.
Gần đây, chính quyền TP. HCM áp dụng quy định “Đánh giá tác động giao thông (Traffic Impact Assesment – TIA)” trong xét duyệt các công trình, đặc biệt là cao ốc là 1 tín hiệu tốt, cho thấy tầm nhìn của nhà quản lý: phát triển không gian đô thị với kiểm soát chặt chỉ tiêu sử dụng đất theo Quy chuẩn quy hoạch gắn với Mật độ dân số và hình thái đô thị dựa trên kiểm soát các chỉ tiêu sử dụng đất. Tuy vậy cần có những chính sách cụ thể nhằm hiện thực hóa chủ trương trên, mà khai thác tầng hầm công trình cho lợi ích chung là 1 giải pháp cần được xem xét nghiêm túc.
Định hướng chung: Để không gian ngầm gắn với nhà cao tầng xen cấy trong vùng nội đô góp phần đồng bộ hóa và tái phát triển đô thị hướng đến phát triển bền vững, hành lang pháp lý cần được xây dựng theo hướng:
Chính sách thực thi:
1. Cần xây dựng cơ chế đặc thù nhằm tận dụng tối đa hiệu quả tầng hầm nhà cao tầng trong phát triển đô thị. Trong đó có thể:
2. Công tác quy hoạch và quản lý đầu tư:
Không gian ngầm nói chung, tầng hầm công trình nói riêng chính là tác nhân cho tập trung mật độ cao, là bản lề để liên kết các công trình, trên và dưới mặt đất. Điều này sẽ kéo các hoạt động khác nhau về gần nhau hơn, làm gia tăng mật độ dân cư song song với gia tăng dịch vụ và tiện nghi trong một vùng mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ, đạp xe và sử dụng các phương tiện công cộng. Nâng cao tính đồng bộ như vậy, thành phố sẽ gọn gàng hơn, khỏi phải dàn trải và cũng chính là giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa gia tăng dân số và hạ tầng… trong phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay.
TS. KTS. Nguyễn Tuấn Hải
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)