Phong cách Đông Dương thời Pháp thuộc có xu hướng gắn bó, gần gũi với văn hóa bản địa, nhưng chỉ áp dụng trong thiết kế nhà cửa.
Tác giả Trần Quốc Bảo là Kiến trúc sư, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội:
Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP Hà Nội đã quyết định chọn phương án kiến trúc xứ Đông Dương do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đề xuất. Xin lưu ý là cả ba phương án đưa ra tuyển chọn đều do TEDI đề xuất.
Trong ba phương án của mình, TEDI đã đề xuất các cấp có thẩm quyền lựa chọn phương án kiến trúc xứ Đông Dương (phương án 3) với lý do "phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc và sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương".
Trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của TEDI, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã lựa chọn phương án 3 theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội là phương án "mang dáng vẻ cổ điển với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương sang khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng".
Với nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc Thuộc địa Pháp ở Hà Nội, tôi xin khẳng định những cụm từ "kiến trúc xứ Đông Dương", "dáng vẻ cổ điển", "công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương" là những cụm từ mù mờ, không có ý nghĩa về mặt khoa học nói chung và kiến trúc nói riêng.
Đúng là các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp thực sự có dấu ấn ở Hà Nội với sự phong phú về phong cách đã để lại cho thủ đô một di sản kiến trúc quý giá. Trong những phong cách kiến trúc tiêu biểu thời kỳ này có phong cách Tân cổ điển và phong cách Đông Dương, hai phong cách này hoàn toàn khác nhau về mục đích biểu hiện cũng như nguyên tắc sáng tác.
Ví dụ phong cách Tân cổ điển mong muốn biểu đạt sự uy nghi mang tính áp chế của chính quyền thực dân thì phong cách Đông Dương lại có xu hướng gắn bó, gần gũi hơn với văn hóa và con người bản địa. Tuy nhiên đây là các phong cách kiến trúc được áp dụng trong thiết kế nhà cửa chứ không phải cho việc xây dựng cầu.
Cũng cần lưu ý là những cây cầu luôn là chủ đề hấp dẫn khi thể hiện những tuyệt tác của kỹ thuật, chúng không chỉ giúp hình thành các tuyến giao thông mới giúp tiết kiệm thời gian đi lại cho các thành phố đang mở rộng mà còn thường trở thành một cảnh tượng dân sinh, một địa danh mang tính biểu tượng cho chính thành phố.
Ví dụ cầu Cổng Vàng ở San Francisco, cầu Bandra-Worli ở Mumbai, cầu Cảng ở Sydney hay Cầu Tháp ở London, tất cả đều đã trở thành dấu ấn mang bản sắc của thành phố.
Cầu Long Biên xây dựng thời Pháp thuộc là một trong những cây cầu thép đẹp và hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ và cũng là một trong những dấu ấn mang bản sắc của Hà Nội. Cầu Trần Hưng Đạo xây dựng ở khu vực trung tâm thủ đô, nếu được thiết kế tốt hoàn toàn có thể trở thành một trong những biểu tượng mới của Hà Nội.
Tuy nhiên khi nhìn vào phương án được lựa chọn thì tôi chỉ thấy đây là một thiết kế lộn xộn, một sự chắp vá tân cổ giao duyên, chẳng theo một phong cách nào, giống như bản sao tồi của một cây cầu xây dựng vào thế kỷ 17, 18 ở châu Âu chứ không phải được xây vào thế kỷ 21 ở Việt Nam.
KTS. Trần Quốc Bảo