“Cầu Trần Hưng Đạo không chỉ mang xứ mệnh đảm bảo giao thông mà còn là công trình kiến trúc hài hòa để tồn tại cả 100 năm... Do vậy Hội đồng kiến trúc sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người dân, học giả, kiến trúc sư” - Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/9, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) – Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng cho biết, trước những ý kiến khác nhau của dư luận về 3 phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, trong đó có phương án 3 - “Xứ Đông Dương”, đơn vị thiết kế xin lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến này.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI - phát biểu trong một sự kiện được Bộ GTVT tổ chức.
Tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng, 3 phương án trên chỉ là thiết kế ban đầu được Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (Hội đồng kiến trúc) chấp thuận để trình thành phố Hà Nội xem xét, cho thêm ý kiến. Tất cả các phương án này chỉ là thiết kế kỹ thuật, đến nay thành phố Hà Nội mới chấp thuận về chủ trương dự án, chưa có quyết định phê duyệt dự án. Tất cả mọi việc đang dừng ở công tác tham mưu, thẩm định, lấy ý kiến.
Có ý kiến đóng góp, phản biện là mừng
Thưa ông, phương án “Xứ Đông Đương” được Hội đồng kiến trúc chọn để trình thành phố Hà Nội, tuy nhiên đây cũng là phương có nhiều ý kiến khác nhau nhất?
Cầu Trần Hưng Đạo không chỉ là cầu giao thông mà còn là công trình được chúng tôi đặt đầu bài phải có kiến trúc hài hòa với cảnh quan Việt Nam và công trình tồn tại cho cả 100 năm về sau. Do vậy, quan điểm của của Hội đồng tư vấn là cầu Trần Hưng Đạo phải hòa với không gian, kiến trúc Hà Nội, rộng ra là cả nước. Từ thực tế này, cầu mang phong cách cổ điển “Xứ Đông Dương”.
Thiết kế mặt cầu Trần Hưng Đạo với 6 làn xe.
Thực tế, khái niệm về “Xứ Đông Dương” là một khái niệm rộng, do vậy để thể hiện được là việc không đơn giản, có khi phải mất cả một quá trình. Với “Xứ Đông Dương” được thể hiện trong phương án kiến trúc số 3 tuy chưa thể hiện được hết ý đồ của tác giả, song cũng đã có những nét phác họa cơ bản. Qua tiếp nhận các nội dung ý kiến vừa qua, chúng tôi thấy rằng, đa số mọi người không bác bỏ, mà chỉ yêu cầu chỉnh sửa, điều chỉnh làm sao có bản sắc Việt Nam hơn.
Tôi cho rằng, ý kiến các chuyên gia, kiến trúc sư trên đều có cơ sở, thậm chí hoàn toàn đúng. Bản thân tôi cũng thấy rằng, đây là công trình gắn với nội đô, hơn nữa nằm trong cụm công trình lịch sử gồm Bảo tàng lịch sử, Nhà hát lớn, Tháp rùa. Do vậy cầu Trần Hưng Đạo phải mang nét đăc biệt, song cũng phải hài hòa cảnh quan kiến trúc khu vực này.
Sẵn sàng tuyển chọn, thiết kế lại nếu có phản biện hay
Với các ý kiến của dư luận đưa ra, nếu thành phố Hà Nội xem xét yêu cầu thay đổi, ông sẽ xử lý thế nào?
Tuy là những thiết kế ban đầu, nhưng để có được 3 phương án trên Hội đồng kiến trúc chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc. Hội đồng kiến trúc trong đó có hai người là nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng là kiến trúc sư có tâm huyết, chuyên môn cao. Với các ý kiến đóng góp của dư luận, chuyên gia có ích cho kiến trúc cầu và đô thị thành phố thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa. Mục tiêu của Hội đồng kiến trúc là làm sao chúng ta có được một công trình kiến trúc cầu hoàn thiện, đẹp với thời gian.
Độ tĩnh không của cầu Trần Hưng Đạo được khống chế là 9,5 mét.
Với thành phố Hà Nội, sau khi chúng tôi trình phương án kiến trúc, thành phố cũng họp rất nhiều chứ không phải Hội đồng kiến trúc đưa ra cái gì là phê duyệt cái đó. Chúng tôi cũng không thích làm việc theo phương châm đó, mà luôn ghi nhận những ý kiến đóng góp, kể cả trái chiều để hoàn thiện thiết kế. Thậm chí sau khi họp xem xét xong, thành phố Hà Nội yêu cầu thay đổi, chúng tôi vẫn tuân thủ, kể cả sẵn sàng chấp nhận tuyển chọn lại, làm lại.
Vì sao độ tĩnh không cầu Trần Hưng Đạo chỉ 9,5 mét?
Về thiết kế kỹ thuật của cầu, có ý kiến cho rằng cầu để độ tĩnh không cho tàu thuyền đi lại dưới sông 9,5 mét là thấp, trong khi cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì là trên 11 mét?
Với thiết kế kỹ thuật của cầu Trần Hưng Đạo thì đây là thông số không thể thay đổi. Tôi xin dẫn chứng cho nhận định này, theo quy hoạch thoát lũ và quy chuẩn đường thủy mới của Bộ NN&PTNT thì hiện tại đoạn sông Hồng từ sau cầu Long Biên, Chương Dương về phía hạ lưu (Thanh Trì) là sông cấp 2. Do vậy độ tĩnh không hiện nay của cầu chỉ được phép 9,5 mét. Ngoài ra, với tĩnh không bên trên, do có quy hoạch sân bay Gia Lâm nên độ cao trụ cầu Trần Hưng Đạo cũng không được cao quá 47 mét.
Đây cũng là hạn chế cho việc xây dựng thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. Trong khi đó, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì lập thiết kế từ khi sông Hồng đoạn chảy qua nội đô Hà Nội đang là đoạn sông cấp 1 nên độ tĩnh không của cả hai cây cầu này không bị khống chế nhiều như hiện nay. Riêng độ tĩnh không bên dưới lòng sông tại 2 cây cầu này được phép trên 11 mét.
Dự án Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng vừa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí 8.900 tỷ đồng (gấp đôi cầu Thanh Trì, gấp 3 cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1). Dự án cáo cầu chính dài, 800 mét, 6 làn xe, tính cả cầu chính và đường dẫn dự án là 5,5 km.
Hiện có 3 phương án kiến trúc xây dựng cầu, gồm “Người chủ soái” (phương án 1); “Cánh hạc bay” (phương án 2); “Xứ Đông Dương” (phương án 3), trong đó phưng án 3 được hội đồng tư vấn cho số điểm cao nhất.
Cầu có tiến độ đề xuất thi công từ năm 2022 đến 2025, thời gian hoàn vốn BOT xây dựng cầu là 20 năm.
Theo Trọng Đảng
Tiền phong