CafeLand - Trao đổi với CafeLand, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gánh chịu những tác động do dịch Covid-19 ít nhất là trong năm nay. Đáng chú ý, theo chuyên gia này, từ nay đến cuối năm sẽ xảy ra vài cơn sốt đất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục gánh chịu những tác động của dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, thị trường có thể sẽ xảy ra vài cơn sốt đất.
CafeLand - Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của một số phân khúc như mặt bằng bán lẻ, cho thuê, Bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó, phân khúc nhà ở vẫn ghi nhận sự tăng giá, bất chấp những tác động của dịch bệnh. Theo ông, thị trường từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến như thế nào, nhất là sau làn sóng covid lần thứ tư?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì trước đó, dường như chúng ta cho rằng đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Đợt dịch bệnh lần này đã tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong tất cả các phân khúc, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang bị tác động mạnh nhất. Nhiều khách sạn trên các thành phố lớn hầu như đều bị bỏ trống.
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa biết khi nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát, do đó thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.
Phân khúc đất nền thời gian qua ghi nhận tình trạng nóng sốt, bất chấp những tác động của dịch bệnh, thế nhưng cho đến thời điểm này cũng đã bị ảnh hưởng. Những khu đất nền nằm trong các dự án như sân bay Long Thành, Bình Dương, Quảng Ninh,... hiện tại giá đất tại đây đã không còn sốt nữa.
Riêng về phân khúc nhà ở, do nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn nên thị trường vẫn ghi nhận sự tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mặn mà với phân khúc này mà tập trung vào các phân khúc có giá trị trung bình hoặc phân khúc cao cấp có giá trị lợi nhuận cao.
Hiện tại, phân khúc cao cấp giá vẫn còn tăng chứ không giảm và nó là hiện tượng xảy ra ở phạm vi toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam.
Những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào bất động sản cao cấp để hy vọng rằng, sau dịch bệnh giá sẽ tăng lên và họ sẽ kiếm lời nhanh chóng.
Nhu cầu ở phân khúc bất động sản trung bình tăng lên, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi 60.000 doanh nghiệp phá sản, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại bị tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến giới trung lưu.
Bên cạnh đó, dịch bệnh ập đến như giáng một đòn chí mạng vào phân khúc bất động sản thương mại. Mặt bằng bán lẻ, cho thuê trở nên vắng vẻ, đìu hiu vì bị khách thuê trả lại cho chủ. Tình trạng những cơ sở thương mại cho thuê ở TP.HCM lại càng nghiêm trọng khi dịch bệnh vẫn còn rất căng thẳng.
Đó là bức tranh toàn cảnh của thị trường bất động sản thời gian qua.
Còn vấn đề thị trường sẽ đi về đâu từ nay đến cuối năm, câu trả lời nằm ở việc chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tạo được miễn dịch cộng đồng khi việc tiêm chủng được thực hiện 70-80%.
Trong khi tại thời điểm này, chúng ta mới chỉ tiêm được khoảng từ 2-7%. Số còn lại chắc chắn sẽ không thực hiện được trong năm nay.
Do đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nhất là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại.
Những phân khúc có lẽ trụ được tốt là bất động sản cao cấp, bất động sản cho người có thu nhập trung bình và từ giờ đến cuối năm có lẽ sẽ có vài cơn sốt đất để cải thiện tình hình.
Trên thị trường thời gian qua xuất hiện những dự án siêu cao cấp với giá hàng trăm triệu đồng/m2. Theo ông, thực tế này có nằm trong kỳ vọng thu được lợi nhuận cao và nhanh chóng sau dịch bệnh như ông đã nói?
Những dự án siêu cao cấp thường chỉ dành cho giới thượng lưu trong xã hội. Trong tình hình khó khăn như hiện tại, họ sẽ đổ tiền vào hai lĩnh vực là chứng khoán và bất động sản, trong đó có bất động sản cao cấp.
Phân khúc bất động sản siêu cao cấp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng cung thị trường, nhưng đó là phân khúc có tính thanh khoản, được giới có tiền ở Việt Nam ưa chuộng.
Thực tế này một phần cũng nằm trong kỳ vọng thu được lợi nhuận cao và nhanh chóng. Tuy nhiên, dịch bệnh có lẽ sẽ kéo dài và sẽ tác động đến thị trường bất động sản từ nay cho đến sang năm.
Và khi nền kinh tế phục hồi, những phân khúc có tính thực tế như nhà ở cho người có thu nhập thấp hoặc trung bình sẽ trở nên cần thiết hơn là những loại bất động sản cao cấp.
Số người dân ở Việt Nam sở hữu bất động sản cao cấp không nhiều, do vậy cũng không nên kỳ vọng là bất động sản cao cấp sẽ bật dậy nhanh chóng và tạo được lợi nhuận cho họ sau khi kinh tế phục hồi.
Tôi cho rằng, những nhà đầu tư này phải có một nguồn vốn trường kỳ để chịu đựng được tình hình bất động sản còn đang trì trệ.
Thời điểm này tỉ giá vẫn còn cao và có lẽ vẫn cao sau dịch bệnh. Chính vì vậy khi nền kinh tế phục hồi sẽ có rất nhiều cơ hội để đầu tư mà không phải chỉ có bất động sản.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều này có tác động như thế nào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, từ đó có ảnh hưởng như thế nào đến bất động sản công nghiệp và khả năng tăng giá của thị trường đất nền ven KCN, thưa ông?
Trước khi bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, phân khúc bất động sản công nghiệp theo đó trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại.
Thế nhưng thời gian gần đây có hai hiện tượng làm chậm lại tình hình này. Đó là những khu công nghiệp có số ca lây nhiễm rất lớn như ở Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. Tại TP.HCM và các khu công nghiệp ven TP.HCM cũng đang chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Điều đó đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường nói chung. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn đang rất căng thẳng, chúng ta chưa thể nói trước được điều gì cho đến cuối năm.
Chính vì thế thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng, không còn hào hứng như cuối năm ngoái và đầu năm nay. Riêng lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia hiến kế tránh "sập bẫy" sốt đất ảo
Tâm An
Theo cafeland