Mồng 5 Tết Âm Lịch - Ngày Tốt Thờ Cúng Ngũ Lộ Tài Thần - Có Phải Là Ngày Tam Nương Nguyệt Kỵ Xui Xẻo?

Ngày đăng: 27/01/2023

Chia sẻ

Người Việt có câu "Mùng 5, 14, 23, đi chơi còn lỗ huống hồ đi buôn". 

Kỳ thực trong quan điểm của Đạo Giáo thì mùng 5 và 15 Âm Lịch được xem là ngày hành Thổ đại diện cho tài lộc từ Ngũ Phương tìm đến do đó là một trong những ngày rất tốt để khai trương mở tiệm và thờ cúng Tài Thần sau Tết Nguyên Đán. 

Nguồn gốc của ngày mùng 5 và 15 là ngày tốt đến từ việc các con số Lẻ được xem là số Dương và số Chẵn được xem là số Âm. 

Như các bạn thờ cúng Thần Phật, Tổ Tiên thì luôn đốt số lượng nhang là 1, 3, 5, 7, 9 hoặc trì chú cũng là 1, 7, 9, 21, 49 biến. Cũng như số lượng bát hương hay chén nước trên ban thờ luôn là số 1, 3 hay 5. 
Số 5, 10 và 15 trong Lạc Thư Hà Đồ được xem là Hợp Ngũ, Hợp Thập và Hợp Thập Ngũ. Đây cũng là một trong các tổ hợp tốt trong Phong Thuỷ Tam Nguyên. 

Số 5 trong Phong Thuỷ Đạo Gia được xem là đại diện cho Ngũ Phương Ngũ Lộ Tài Thần bao gồm Đông Phương Tài Thần, Tây Phương Tài Thần, Bắc Phương Tài Thần, Nam Phương Tài Thần và Trung Lộ Tài Thần. Trong đó vị thống lĩnh mạnh mẽ nhất chính là Trung Lộ Tài Thần hay còn gọi là Triệu Công Minh Võ Tài Thần. 

Ngũ Lộ Tài Thần này tượng trưng cho Tài Lộc theo thuyết Ngũ Hành. Lần lượt từng vị có tên như sau: 
Văn Tài Thần: chỉ Văn Xương Đế Quân - chủ về học hành thi cử tốt, nhờ công việc sự nghiệp thăng tiến mà có tài lộc. 
Võ Tài Thần: còn gọi là Nguyệt Tài Thần chính là chỉ Triệu Công Minh là Chính Tài Thần. 
Nghĩa Tài Thần: chính là Quan Công đại diện cho vị Tài Thần phò trợ cho những người sống có chính nghĩa. Như mọi người xem phim Hong Kong thường thấy cả cảnh sát và xã hội đen đều thờ Quan Công vì vị Tài Thần này xem trọng nghĩa khí và công bằng. 
Quân Tài Thần: chính là Hoàng Đế Tài Thần để chỉ ​Sài Vinh - vị vua thứ hai đời nhà Hậu Chu, ông được các sử gia đánh giá là vị đệ nhất minh quân thời Ngũ Đại vì tài thao lược cầm quân. 
Thiên Tài Thần: chính là Thổ Địa hay còn gọi là Đại Bá Công. 

Khi thờ cúng Thổ Địa, không biết bạn đọc có để ý thấy luôn phải thỉnh bài vị Thổ Địa phía sau có ghi dòng chữ "Ngũ Phương Ngũ Lộ Tài Thần - Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần" 

Tức là thờ Thổ Địa Thần Tài là đã thờ luôn các vị này rồi. Cốt ở thờ cúng là thờ bài vị chứ không quá quan trọng đếm xem bao nhiêu tượng. Do đó người Hoa từ Trung Quốc vốn dĩ từ xưa đến nay là thờ bài vị là chính, còn nếu có thờ thêm tượng thì chỉ thêm 1 tượng một tay cầm Gậy Như Ý (biểu thị vạn sư như ý) và một tay cầm thỏi vàng (biểu thị cho tài lộc) và gọi chính xác vị này là Phước Đức Chính Thần. Vị này cai quản cả đất đai và tài lộc của gia đình bạn. 

Một bộ phận người Hoa di cư vào các nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia (từ rất lâu đời) thì pha trộn với tín ngưỡng địa phương thờ tượng Thổ Địa Công nên thờ hai tượng Thần Tài và Thổ Địa.

Người Việt ở miền Nam từ trước 1975 thì bị ảnh hưởng bởi người Hoa ở Đông Nam Á nên du nhập văn hoá thờ hai tượng Thần Tài và Thổ Địa. Người Việt ở miền Bắc trước 1975 không có văn hoá này mà chỉ thờ ban thờ 3 bát hương (tổ tiên, bà cô ông mãnh và ông công ông táo). Kỳ thực bát hương ông công ông táo chính là 3 vị thần là Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ cai quản trong nhà mà người Việt quen gọi là Táo Quân hay sáng tác ra tích 2 ông 1 bà để chỉ 3 hòn gạch cháy đen dùng để gác bếp củi ngày xưa. 

Một điểm tôi thấy thú vị là trong văn hoá thờ cúng Đạo Giáo luôn chú trọng bài vị, tức phải ghi tên của vị thần mình thờ cúng nhưng các thầy miền Bắc lại không khuyên gia chủ đặt ghi bất kỳ bài vị gì, chỉ nói với thân chủ là thờ thần linh chung chung rồi tự ý bốc bát hương, cho vào đó đủ thứ phù, tờ sớ, lại có thầy cho cả thất bảo. Thất bảo vốn là vật chỉ được phép cho vào trong ban thờ Thổ Địa chứ không được phép cho vào trong ban thờ Phật, Thần hay Tổ Tiên. Nếu như không ghi bài vị gì, mà chỉ đặt bát hương lên rồi để mặc cho thầy muốn bốc bát hương sao cũng được mà không kiểm chứng thì coi chừng thầy bà ác sẽ bỏ âm binh của mình vào mà sai khiến gia chủ. Do đó tôi hay khuyên gia chủ không cần phải nhờ thầy bốc bát hương mà có thể tự mình làm được, tuy nhiên làm như thế nào thì tôi không tiện nói ra trên đây vì có thể làm hỏng nồi cơm của các thầy. Và cũng lưu ý đừng bao giờ đi dán keo 502 xuống bát hương và sợ lau chùi làm động bát hương. Đây là điều ngớ ngấn nhất, dán keo thì làm sao lau chùi ban thờ !?? Động bát hương có nghĩa là trong suốt cả năm hạn chế việc lấy bớt tro, rút chân nhang mà thôi, không có nghĩa phải đi dán keo lên bát hương. 

Lưu ý là nghi thức cúng kiến là tuỳ theo văn hoá tập quán địa phương, không nhất thiết người miền Nam hay miền Trung cũng cần phải lập ban thờ 3 bát hương như nhiều bài viết trên mạng nói. Cũng không cần nhất thiết phải đọc những câu trong các bài sớ khấn theo lời văn cầu kỳ hoa mỹ miền Bắc, quan trọng nhất là Lễ Bạc Lòng Thành - Tâm Thành Tất Linh cứ nghĩ sao khấn vậy nhưng viết ra rõ ràng, chi tiết lời mình khấn để đọc không vấp váp. 

Mấy năm gần đây, có thầy người Việt thấy người Hoa chỉ thờ một tượng nên lại bắt chước chỉ cho con nhang đệ tử thờ 3 tượng và gọi vị ở giữa là Thần Tài Pháp. Tôi chỉ thấy như vậy là sáng tạo, lai ghép đủ thứ và có thể gọi văn hoá thờ cúng như vậy vô tình biến thành văn hoá Tuesday trong đó hai vị Thần Tài Thổ Địa vốn quen sống chung hạnh phúc với nhau, giờ có thêm 1 Tiểu Tam ở giữa chen ngang? 

Quay trở lại với việc kiêng kỵ ngày mồng 5 là xui xẻo thì đó là quan điểm dân gian sai lầm. Có người nói đây là ngày sinh của 3 vị mỹ nhân làm các triều đại Trung Hoa sụp đổ nên là ngày xui xẻo. Đó đều là những điều ngớ ngẩn nhất. Ngày sinh của 3 vị này từ cách đây mấy trăm năm thì có liên quan gì đến cuộc sống chúng ta hàng ngày hiện nay mà phải kiêng kỵ? 

Nghi Thức Cúng Ngũ Lộ Tài Thần 

Đặt bàn cúng ngoài trời quay về hướng Tây Bắc Càn (tức Thiên Môn) - vào giờ Tuất - là giờ Khai Mở Thiên Môn. 

Cúng phẩm: 
- 5 loại trái cây
- 5 chén trà
- 5 chén rượu
- 5 chén nước
- Xôi, chè, bánh kẹo ngọt, gạo sống
- 2 ngọn nến
- Đốt hương 5 nén (chọn loại cháy kéo dài 2h)
- Giấy tiền vàng mã. 

Khấn: 
- Đệ tử tên......, ngụ tại địa chỉ....., phụng thỉnh Ngũ Lộ Tài Thần phù hộ độ trì gia đạo bình an, phát tài phát lộc, tân niên hữu dư. Xin cảm tạ! 

Sau khi nhang và nến cháy hết thì dùng một ít cúng phẩm, trà và rượu đem đổ vào gốc cây ở trước, sau hoặc trong nhà. Đốt giấy tiền vàng mã và rải gạo muối.

Đối với Mao Sơn Phái thì nghi thức sẽ phức tạp hơn, kéo dài trong vòng 49 ngày và đây là pháp mà các thầy Đạo Giáo thường tu để tăng cường tài lộc. Một điểm thú vị đó là trong pháp tu này, gọi là Tài Thần Đấu Pháp, khi rung chuông thì các hạt gạo trên dĩa dâng cúng trên ban thờ sẽ tự động nhảy múa reo vui theo tiếng nhạc. Nếu như rung chuông mà gạo không nhảy thì xem như công lực còn chưa đến, thỉnh mời nhưng các vị không giáng hạ xem như việc thờ cúng thất bại. Cần phải giữ giới luật và tinh tấn tu hành thì mới có thể gia tăng công đức, thì quỷ thần mới kinh hãi mà nghe theo. 

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương 
____________o0o_____________ 
𝐇𝐨̣𝐜 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐏𝐡𝐨𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐮𝐲̉ 𝐓𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐌𝐢𝐧𝐡 
A4, đường D7, p. Phước Long B, Quận 9, Tp. Thủ Đức
0981 229 461 
lienhe.tmfs@gmail.com 
Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP