Đầu tư cổ phiếu dài hạn: Nói dễ, làm khó!

Ngày đăng: 18/05/2021

Chia sẻ

Có một thực tế rằng rất nhiều nhà đầu tư hay sốt ruột, "đứng núi này trông núi nọ", bán mất những cổ phiếu rất tốt và khi chọn cổ phiếu khác lại thua lỗ để rồi hối tiếc. Chưa kể nhiều nhà đầu tư đã từng cố gắng thay đổi để nắm giữ cổ phiếu thay vì trading nhưng vẫn không đủ kiên nhẫn và lại đi theo vết xe đổ cũ.

Một điều mà tôi luôn suy nghĩ rất nhiều trong quá trình đầu tư: "Tại sao Warren Buffett có thể nắm giữ cổ phiếu trong suốt nhiều năm mà không quan tâm đến biến động thị trường?". Ngẫm đi ngẫm lại, việc huyền thoại Buffett có thể nắm giữ cổ phiếu dài hạn đều đến từ việc định giá doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hàng năm thì sớm hay muộn cổ phiếu sẽ phải tăng giá.

Thực tế với nhiều nhà đầu tư mới hoặc ngay cả những nhà đầu tư lâu năm vẫn thường cố tìm kiếm các thông tin tích cực để củng cố quan điểm thị trường sẽ luôn tăng và khó điều chỉnh. Nếu đúng vậy, dường như bạn đã đi sai đường trong việc đầu tư cổ phiếu.

Nếu bạn hiểu rằng đầu tư là một quá trình và việc bạn cần quan tâm là giá trị doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp có đang tăng trưởng không? Các năm tới có tiếp tục tăng trưởng hay đi vào giai đoạn đi ngang hoặc suy thoái sẽ hữu ích hơn việc dự báo "mai cổ phiếu tăng hay giảm".

Có một thực tế rằng rất nhiều nhà đầu tư hay sốt ruột, "đứng núi này trông núi nọ", bán mất những cổ phiếu rất tốt và khi chọn cổ phiếu khác lại thua lỗ để rồi hối tiếc. Chưa kể nhiều nhà đầu tư đã từng cố gắng thay đổi để nắm giữ cổ phiếu thay vì trading nhưng vẫn không đủ kiên nhẫn và lại đi theo vết xe đổ cũ.

Vậy tại sao lại khó có thể nắm giữ cổ phiếu tốt lâu dài? Dưới đây là một số lý do khiến nhà đầu tư cảm thấy khó có thể nắm giữ cổ phiếu đầu tư dài hạn:

(1) Sốt ruột; (2) Tham gia quá nhiều diễn đàn, group dẫn tới nhiễu thông tin khiến quyết định bị lung lay; (3) Mua bán một cách ngẫu hứng và không có kế hoạch; (4) Nhìn bảng hàng ngày nên khi gặp những nhịp điều chỉnh vài chục điểm là mang cổ phiếu đang rất tốt ra bán theo sự hoảng loạn của đám đông trong ngắn hạn; (5) Phụ thuộc quá nhiều vào các thông tin trên truyền thông. Thậm chí hôm nay có thể rất lạc quan khi nắm giữ cổ phiếu nhưng chỉ cần đọc một bài nhận xét nào đó là có thể thay đổi quan điểm và bán đi luôn ngày hôm sau; (6) Hiểu doanh nghiệp một cách mơ hồ nên không tạo ra sự kiên định để nắm giữ lâu dài; (7) Luôn muốn tuần nào tài khoản cũng phải tăng nên "nhảy nhót" liên tục.

Nếu như bạn không học cách loại bỏ các lý do trên thì chẳng bao giờ bạn đi đến đích trong đầu tư. Suy nghĩ của 5% số nhà đầu tư chiến thắng thường rất đơn giản và họ thường không phức tạp nó.

Theo ngài Seth A.Klarman, huyền thoại đầu tư của Baupost Group, đầu tư giá trị đích thực không hề là các nhà toán học, phân tích "thần kỳ" chuyên sử dụng thuật toán máy tính phức tạp. Việc khó nhất chính là tinh thần kỷ luật thép, đức kiên nhẫn vô tận và niềm tin vào logic phân tích của bản thân.

Phần lớn nhà đầu tư trên thị trường vẫn coi chứng khoán là "cờ bạc", chỉ tham gia để mong chờ kiếm lợi nhuận ngắn hạn và số rất ít coi chứng khoán là kênh đầu tư dài hạn nghiêm túc. Cách tiếp cận ra sao, thị trường sẽ đáp lại bạn như vậy. Đó là lý do vì sao không nhiều nhà đầu tư thực sự có lãi trên TTCK.

Bản thân tôi đã từ rất lâu không còn tham gia bất cứ diễn đàn hay group nào nữa! Nếu có cũng rất ít và cũng không có nhu cầu tìm kiếm cơ hội "phím hàng" trên đó bởi đã tìm kiếm được những cơ hội tốt và sẵn sàng nắm giữ dài hạn.

Nhà đầu tư thường có tâm lý phải kiếm tiền thật nhanh, tối ưu hoá được mọi lệnh mua bán. Trong khi thực tế điều này là không thể. Mọi doanh nghiệp đều cần thời gian để tăng trưởng và chẳng ai đốt cháy được giai đoạn.

Khi đã lên kế hoạch nắm giữ thì cần tuân thủ nếu không có bất cứ sự kiện lớn nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp bởi vĩ mô rất khó "thay đổi sau một đêm". Dịch Covid đang diễn ra và doanh nghiệp nào tăng trưởng vẫn cứ tăng trưởng, doanh nghiệp nào ảnh hưởng vẫn bị ảnh hưởng. Do đó, cần hiểu rõ mục tiêu để chọn lựa cổ phiếu phù hợp.

Với tôi, doanh nghiệp còn tăng trưởng thì vẫn sẽ nắm giữ cổ phiếu đó. Chúng ta cần hiểu doanh nghiệp như từng hơi thở và nên đi tham gia ĐHCĐ, các buổi analyst meeting để hiểu rõ về doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư. Hãy nhớ không phải giữ cổ phiếu bằng niềm tin mà dựa trên việc định giá doanh nghiệp cùng các tiêu chí xem doanh nghiệp đó đạt đủ tiêu chí để bạn xuống tiền hay không.

Đừng để nỗi sợ không tên khiến bạn luôn lo lắng hàng ngày. Doanh nghiệp nếu đã đi qua nhiều năm lịch sử thì việc tự nhiên thua lỗ là không dễ, chỉ khác nhau là có tăng trưởng hay không. Nếu lựa chọn đúng doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì dù có lỡ mua trúng đỉnh thì sớm hay muộn cổ phiếu sẽ tăng trở lại và thậm chí vượt xa đỉnh cũ.

Lâm Vũ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP