Sau vài phiên hồi phục mạnh, giá cổ phiếu ngành thép đang chững lại trong những phiên gần đây.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho phiên "lấp gap" của VN-Index, song cú sập sâu 30 điểm trong phiên thứ Hai (14/2) vẫn không khỏi gây thất vọng. Áp lực xả mạnh trong 30 phút giao dịch cuối cùng khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc, thảm hại nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán khi chịu cảnh bán tống bán tháo.
Trong khi các Bluechips đồng loạt "rũ cánh", nhóm cổ phiếu thép cũng không thoát khỏi sắc đỏ dù biên độ giảm thu hẹp hơn so với nhóm khác. Điều đáng nói, nhóm này đang có đà bứt phá ngoạn mục trong những phiên gần đây sau chuỗi ngày điều chỉnh mạnh. Nguyên nhân được cho là đến từ những tín hiệu tích cực của giá thép nhờ ảnh hưởng từ giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng mạnh trở lại và mức chiết khấu của cổ phiếu thép với mức định giá hấp dẫn.
Theo đó, việc cổ phiếu thép tăng giá cho thấy sự kỳ vọng trở lại của nhà đầu tư với các doanh nghiệp thép trước tín hiệu phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đến từ các thị trường xuất khẩu mới sẽ là động lực giúp nhóm này bước vào chu kỳ tăng mới trong thời gian tới. Vì vậy, việc cổ phiếu thép "gãy sóng" tăng giá là một nỗi thất vọng lớn cho nhiều nhà đầu tư.
Cụ thể, "anh cả" HPG giảm nhẹ 2% xuống mốc 46.200 đồng/cp, thanh khoản duy trì mức cao khi đạt 18,2 triệu đơn vị. Đà giảm tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu HSG (-2,2%), POM (-2,4%), SMC (-3,7%). Tuy nhiên, sắc xanh vẫn le lói ở nhóm này khi NKG và TIS lần lượt tăng 1,5% và 0,8% trong phiên 14/2.
Bên cạnh yếu tố thị trường chung giảm mạnh, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu thép giảm là do giá thép quay đầu điều chỉnh sau thời gian hồi phục. Đặc biệt, nhìn về dài hạn vẫn còn nhiều lo ngại nhất định với thị trường thép trong năm 2022.
Đánh giá về nhóm cổ phiếu thép, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tỏ ra thận trọng với cổ phiếu mang tính chu kỳ vì nhiều nền kinh tế sẽ qua đỉnh của quá trình phục hồi hậu Covid-19, từ đó khiến những cổ phiếu chu kỳ sẽ tạo đỉnh trước. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng nhóm thép, phân bón, chứng khoán… trong thời gian qua có những dấu hiệu đã tạo đỉnh trung hạn. Đặc biệt, nhà đầu tư cần chú ý với cổ phiếu chu kỳ liên quan đến hàng hóa vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng rất nhanh, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10Y đã tiệm cận 2%.
Biến động giá thép khá thất thường
Bàn riêng về triển vọng nhóm thép, Giám đốc môi giới HSC đánh giá thép vẫn là nhóm có cơ hội đầu tư tốt trong dài hạn. Tuy nhiên đợt phục hồi trong tuần vừa qua khả năng cao là đà phục hồi trong ngắn hạn mang tính chất tạm thời. Theo đó, giá thép tăng trong thời gian qua là chất xúc tác để nhóm này tăng mạnh trong ngắn hạn, song để nối tiếp sóng trong dài hạn thì vẫn chưa đủ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam phân tích thêm, với chu kỳ cổ phiếu thông thường có 4 chu kỳ cơ bản, đầu tiên là giảm giá sau trạng thái tích luỹ, sau đó mới là tăng tốc và phân phối.
"Tôi cho rằng cổ phiếu thép chưa bắt đầu một con sóng tăng kéo dài mà chỉ mới kết thúc chu kỳ giảm giá và bước sang chu kỳ tích luỹ. Bởi thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có dấu hiệu kết thúc giai đoạn tích luỹ để tiếp tục tăng tốc và tạo sóng trong ngắn hạn", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Mặt khác, vị chuyên gia Yuanta vẫn cho rằng những câu chuyện về cơ bản đang ủng hộ nhóm cổ phiếu ngành thép, bởi giá thép hiện vẫn neo ở mức cao và nhu cầu thép nội địa tăng cao. Bên cạnh đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản và việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu thép.
Tuy nhiên, ông Minh vẫn nhấn mạnh những yếu tố trên chưa đủ mạnh để xác lập "sóng" như từng diễn ra trong năm 2021. Do đó, lời khuyên đưa ra cho những nhà đầu tư là cần cân nhắc kỹ để tìm điểm mua phù hợp nếu muốn giải ngân vào nhóm cổ phiếu này.
Minh Châu
Theo Nhịp sống kinh tế