Hải Phòng: Công khai thông tin quy hoạch cắt cơn sốt đất

Ngày đăng: 16/05/2021

Chia sẻ

Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và danh sách các dự án nhà ở... sẽ được TP Hải Phòng công bố công khai. Đây được cho là biện pháp để “trị” cơn sốt đất trong thời gian vừa qua.

Như Diễn đàn doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh về cơn sốt đất Hải Phòng. Cụ thể, thời gian gần đây, giá đất nền ở các khu vực, các quận kể cả các huyện ngoại thành bỗng tăng rất cao, có những nơi tăng trên 50%.

Ma lực hút giới đầu cơ

Cơn sốt đất lúc đầu chỉ nhen nhóm ở một số địa phương rồi lan rộng ra toàn TP Hải Phòng đặc biệt là những nơi mới được công bố quy hoạch rõ ràng để phát triển lên đô thị.

Bên cạnh một số khu đất "sốt thật" tại Hải Phòng cũng có nhiều khu đất "sốt ảo". Nhiều trường hợp là do giới đầu cơ, môi giới tự tạo ra sự khan hiếm giả, làm rối loạn thị trường để đẩy giá lên cao; thậm chí còn rao bán cả những dự án đã bị thu hồi để kiếm lời.

Thời điểm đầu năm 2021, giá đất tại khu vực Cửa Trại, xã Thuỷ Đường có giá lên tới hơn 50 triệu đồng/m2

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, sự tăng nóng của thị trường bất động sản Hải Phòng thời gian qua là một hiện tượng bất bình thường. Giá đất tăng từ thực tế phát triển quy hoạch, mở mang TP Hải Phòng là thật nhưng sẽ không nhiều và đột biến như hiện nay. Mức tăng từ những giá trị thực chỉ chiếm một phần trong cơn "sốt" đất, còn lại là do các hành vi thổi giá, rao bán dự án "ảo".

Còn theo ông Phạm Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Cty CP phát triển bất động sản Hoa Phượng, đã có nhiều đợt "sốt đất" để lại bài học nhãn tiền và khi thị trường bất động sản đang quay cuồng như "lên đồng" hiện nay thì những cảnh báo, bài học đó dường như bị quên lãng.

"Con ma đất" vẫn như một ma lực cuốn hút giới đầu cơ, đặc biệt là những nhà đầu tư "không chuyên". Nếu chúng ta không tỉnh táo thì trong cơn "sốt đất", người nhận lửa lượt cuối cũng rất dễ bị "bỏng tay" nhất là khi giá trị đất đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế" - ông Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ rõ: "Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội gây mất cân bằng thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố đồng thời kéo theo các tiêu cực như mất an ninh trật tự, tín dụng đen…".

Những biển hiệu, số điện thoại của các "cò" đất xuất hiện nhan nhản tại những khu vực có dự án lớn đi qua

Biện pháp ngăn chặn kịp thời

Không chỉ ở Hải Phòng, cơn sốt đất trong thời gian vừa qua xuất hiện hầu hết các địa phương khác trên cả nước. Để chặn cơn sốt này, các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hoá… đã ban hành chỉ thị, văn bản nhằm kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản cũng như quản lý chặt chẽ các quy định pháp luật về đất đai… Còn tại TP Hải Phòng, địa phương cũng vừa ban hành chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 7/5/2021 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn TP.

Theo như chỉ thị được ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với UBND cấp huyện công bố công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; tham mưu cho UBND TP Hải Phòng kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai…

Đồng thời, phải công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các chủ dự án nợ đọng nghĩa vụ tài chính về đất đai; danh sách chủ đầu tư có vi phạm về đất đai; các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân…

Việc TP Hải Phòng ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn TP Hải Phòng mặc dù có chậm hơn so với các địa phương khác nhưng đó được coi là một biện pháp để ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất trong thời gian vừa qua. Bởi trên thực tế, đã có trường hợp giới đầu cơ ôm đất rồi "mắc cạn" vì không tìm được đối tác để bán lại do giá đất mua vào quá cao so với giá đất thực tế. Thậm chí nhiều trường hợp còn mất luôn tiền cọc vì lỡ đặt tiền giữ đất để lướt sóng.

"Để tránh tình trạng "sốt đất ảo", TP Hải Phòng đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh; đề xuất giải quyết các vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể theo thẩm quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật cần phải xử lý nghiêm", ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh.

Theo Hải Ngân

Diễn đàn doanh nghiệp

Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP