Chính phủ trình Quốc hội đến năm 2030 diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349.000 ha so với hiện nay
Chiều 29-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) .
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Báo cáo của Chính phủ cho biết đất trồng lúa trong 10 năm qua giảm 202,93 ngàn ha, chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ...
Năm 2020, cả nước có 3,92 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và trên cơ sở quy mô dân số, phương pháp dự báo của FAO về an ninh lương thực, quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 ngàn ha.
Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất: Năm 2020, cả nước có 15,40 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ 5,12 triệu ha, đất rừng đặc dụng 2,29 triệu ha và đất rừng sản xuất 7,99 triệu ha. Để đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đến năm 2030 ổn định ở mức 42%, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 xác định là 15,85 triệu ha (chiếm 47,83% diện tích tự nhiên), đảm bảo yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Đất phi nông nghiệp, trong 10 năm vừa qua, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 226,04 ngàn ha, năm 2020 có 3,93 triệu ha. Trong thời kỳ 2021-2030 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,9 triệu ha. Trong đó:
Đất khu công nghiệp: Chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 là 191,42 ngàn ha, thực hiện được 90,83 ngàn ha đạt 47,45%. Với mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp chiếm 40% GDP, trong quy hoạch sử dụng đất tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp. Đến năm 2030 có 210,93 ngàn ha, tăng 120,1 ngàn ha so với năm 2020.
Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia: Năm 2020, cả nước có 1,34 triệu ha đất phát triển hạ tầng. Trong thời kỳ 2021-2030, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tạo đột phá cho phát triển của đất nước đi trước một bước để thúc đẩy đầu tư, phát triển, gia tăng giá trị đất đai. Đất cơ sở giáo dục đào tạo là 78,60 ngàn ha, đất cơ sở y tế 12,04 ngàn ha, đất cơ sở văn hóa 20,37 ngàn ha, đất thể dục thể thao 37,78 ngàn ha đáp ứng yêu cầu về chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2030.
Đất đô thị: Cả nước hiện có 2,03 triệu ha (gồm các loại đất nằm trong phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu đô thị mới đã hình thành thuộc phạm vi phát triển đô thị); đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 ngàn ha.
Văn Duẩn - Minh Chiến
THEO NLĐ