Trước áp lực sức tiêu thụ thép trên thị trường sụt giảm, ngày 27/7, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 310.000 đồng/tấn, so với lần giảm giá thứ 10 vào ngày 22/7. Như vậy, chỉ tính từ ngày 11/5 đến nay, giá thép trên thị trường giảm 11 lần liên tiếp.
Bảng giá Thép xây dựng mới nhất 27/7
Cụ thể, Hòa Phát điều chỉnh giá thép tại miền Bắc với mức giảm lần lượt 300.000 đồng và 150.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá bán 2 mặt hàng này giảm xuống còn 15,38 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.
Mức giảm 300.000-150.000 đồng một tấn cũng được các thương hiệu thép Việt Ý, Việt Đức, Kyoei áp dụng với hai loại thép trên.
Trong khi đó, thép Miền Nam cũng giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán còn 15,68 triệu đồng/tấn và 16,44 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Nhật cũng điều chỉnh giảm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn. Mức giá mới trong ngày hôm nay 27/7 là 15,6 triệu đồng/tấn và 16,06 triệu đồng/tấn. Đây là những doanh nghiệp điều chỉnh giá thép mạnh nhất đợt này.
Thép Pomina cũng giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, xuống còn 16,5 triệu đồng/tấn, và giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn và D10 CB300, xuống còn 16,9 triệu đồng/tấn.
Điệp khúc “giá thép giảm” vẫn chưa có hồi kết
Như vậy, sau 11 lần điều chỉnh, giá Thép xây dựng mới nhất trên thị trường hiện nay dao động khoảng 15-16 triệu đồng/tấn.
Các công ty thép cho biết giá thép giảm mạnh là do phôi thép cũng như các nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đã giảm liên tục nên giá thương phẩm phải hạ theo.
Theo dự báo của các chuyên gia và doanh nghiệp thép, khả năng giá thép sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới, nhất là trong tình trạng giá nguyên vật liệu, phôi thép vẫn đang tiếp tục giảm.
Giá thép giảm liên tục được người dân và doanh nghiệp xây dựng, đầu tư bất động sản đón nhận tích cực. Giá Thép xây dựng giảm hạ bớt gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng khi thép thường chiếm khoảng 20-30% chi phí mỗi công trình.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất thép báo lỗ trong chu kỳ kinh doanh quý 2 do sức tiêu thụ giảm và giá thép đi xuống. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, Thép SMC, Thép Mê Lin, Gang thép Cao bằng đã báo lợi nhuận giảm mạnh từ 80-90% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, một ông lớn ngành thép khác là Hòa Phát cũng đã công bố lợi nhuận quý 2 giảm tới 59% so với cùng kỳ, ở mức 4.023 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây của doanh nghiệp này. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước và hoàn thành 46% kế hoạch năm.