Ngành thép vẫn khó, nhất là khi mùa mưa đang đến

Ngày đăng: 08/07/2023

Chia sẻ
Đó là nhận định của Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới đây về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ngành thép nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, đơn vị này còn lưu ý, quý 3 là mùa thấp điểm của ngành thép.

Nhu cầu yếu vẫn là thách thức

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ ngành thép nửa đầu năm 2023 không mấy tích cực, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu sức ép từ việc giá bán quay đầu giảm mạnh.

Sau giai đoạn tạo đáy vào cuối năm ngoái, nhu cầu thép trong nước vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững. Theo đó, tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.


Nhu cầu thép vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép đạt 10,4 triệu tấn, giảm 19,3%, trong đó xuất khẩu thép đạt hơn 3,1 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, cùng với đó hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng khiến tiêu thụ thép trong nước ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết Nguyên đán.


Tình hình sản xuất, tiêu thụ thép thô 6 tháng đầu năm 2023

Theo ước tính của VDSC, tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021.

“Những con số này không thể thuyết phục chúng tôi tin rằng nhu cầu thép đang tốt lên”, VDSC cho biết.

 Xuất hiện điểm sáng hiếm hoi

VDSC cho biết, xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC là điểm sáng hiếm hoi của ngành thép trong giai đoạn này. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 5/2023 đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn, con số này cho thấy khả năng cạnh tranh của các nhà máy thép Việt trên thị trường quốc tế.

Theo ước tính, sản lượng xuất khẩu HRC trong nửa đầu năm 2023 đạt gần 1,7 triệu tấn, đóng góp một nửa tổng tiêu thụ mặt hàng này. VDSC cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi ngành sản xuất trong nước có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp tăng sản lượng tiêu thụ và nguồn thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, số xuất khẩu HRC đang phơi bày tình trạng khá tiêu cực trong nước khi nhu cầu HRC của các nhà máy tôn mạ, ống thép đang rất yếu. Ước tính nửa đầu năm 2023, các nhà máy thép hạ nguồn như Nam Kim hay Hoa Sen chỉ tiêu thụ chưa tới 1,7 triệu tấn HRC, giảm 45% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, việc giá HRC đang diễn biến theo chiều hướng giảm, hiện thấp hơn 16% kể từ đầu quý 2/2023 cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.

Ngành thép sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho rằng, giai đoạn khó khăn của ngành thép đã qua, nội lực ngành thép vẫn tốt. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, trong khi lực cầu về thép hiện ở mức thấp.

VDSC dự báo, trong thời gian tới nhu cầu thép trong nước tiếp tục yếu. Đặc biệt là trong quý 3 bởi đây là mùa mưa và tháng Ngâu - mùa thấp điểm của ngành xây dựng.

Hiện tại, giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Mới đây, trong ngày 5/7, giá thép cây của thương hiệu Hòa Phát được điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn xuống còn 14,38 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép cuộn tạm thời được giữ nguyên mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.

Các thương hiệu như Việt Ý, Việt Đức, Pomina, Thép Miền Nam, Việt Nhật, Thép Thái Nguyên… cũng áp dụng mức giảm giá tương tự đối với loại thép cây. Như vậy, giá thép đã hạ 13 lần liên tiếp tính từ đầu tháng 4 đến nay với mức giảm lũy kế khoảng 1,5 triệu đồng/tấn.

Với tình hình sản xuất, tiêu thụ không mấy tích cực, VDSC cho rằng lợi nhuận quý 2/2023 của hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do đây là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép.

Trước những diễn biến xấu của thị trường trong thời gian qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất; cập nhật thông tin và có cảnh báo kịp thời, tư vấn cho doanh nghiệp về biện pháp ứng phó với rào cản thương mại từ các nước.

Đồng thời tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước...

VSA cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch năm, khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở, đơn giản thủ tục gói 120.000 tỷ đồng để người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn kịp thời, doanh nghiệp có vốn hoạt động.
 

Thúy Hà
Theo Cafeland

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP