Việt Nam có tín hiệu với “kho báu” đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, tập đoàn Trung Quốc ngỏ ý muốn hợp tác

Ngày đăng: 10/08/2024

Chia sẻ

Tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đề nghị hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển ngành khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China)

Ngày 9/4, tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc, theo TTXVN.

Tại cuộc tiếp Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), ông Vương Bân - Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, Power China tham gia xây dựng nhiều dự án năng lượng với tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 9 tỷ USD, sử dụng 1.000 lao động và cam kết sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quy mô, tiềm lực, trình độ công nghệ của Power China tại Việt Nam và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam thời gian tới.

Tiếp lãnh đạo Tập đoàn ô tô điện BYD, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nghe ông Lưu Hoán Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - thông tin, Tập đoàn BYD đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp máy tính bảng, với tổng vốn đầu tư gần 270 triệu USD tại tỉnh Phú Thọ vào năm 2021, với tổng diện tích 26 ha và hiện có hơn 9.000 nhân viên.

Theo đó, Tập đoàn BYD đã trao đổi, đề xuất về các chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ xe năng lượng mới tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới của Tập đoàn BYD tại Việt Nam với cam kết về đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành công nghiệp đất hiếm là một ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay như bán dẫn, ô tô điện, sản xuất vi mạch, linh kiện điện tử…

Quốc hội, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp triển khai, nghiên cứu các giải pháp sử dụng trữ lượng đất hiếm để phát triển các ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ cao nhằm phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam và đề nghị hợp tác với các doanh nghiệp chủ chốt của Việt Nam để phát triển ngành khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Than Việt Nam và các đơn vị khác nhằm thực hiện việc xây dựng một cộng đồng chiến lược và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.

Cùng ngày, tiếp Công ty Pin điện tử Haosen, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất và nhiều chính sách khuyến khích khác để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam đang chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác đầu tư như đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và nhiều lĩnh vực khác.

Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật nhằm thu hút ngày càng nhiều tập đoàn, công ty quốc tế lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2023, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thiên An
Theo Baoquankhu7

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP