CafeLand - Thông tin TP.HCM tìm kiếm công trình biểu tượng tầm cỡ và đủ sức truyền cảm hứng phát triển thông qua những cuộc thi thiết kế đang khiến người dân vừa háo hức chờ đợi vừa băn khoăn suy nghĩ.
Là một người con sinh ra và lớn lên tại thành phố này, tôi cũng thường tự hỏi bản thân đâu là giá trị mang tính đại diện đối với vùng đất phồn thịnh bậc nhất của Việt Nam và từng một thời gắn liền với tên gọi “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Có một điều có lẽ ai trong chúng ta ai cũng từng biết nhưng có lẽ đa phần đã quên, đó là kiến trúc, quy hoạch của một địa phương luôn gắn liền với lịch sử văn hóa và truyền thống của vùng đất đó. Trước đây khi tôi có dịp đi cùng đoàn nghiên cứu về một tỉnh miền Tây Nam Bộ, có một anh trong đoàn hỏi mọi người rằng tại sao kiến trúc nhà sàn lại chỉ có ở đây mà không xuất hiện ở miền Trung. Câu trả lời đơn giản là vì miền Tây có mùa nước nổi trong khi miền Trung lại có mùa lũ.
Trên thế giới, rất nhiều công trình gắn liền với đặc điểm tự nhiên, dấu ấn lịch sử hoặc giá trị văn hóa của một địa phương hay thậm chí là một quốc gia. Bức tượng Nữ thần Tự do giơ cao ngọn đuốc sáng đại diện cho lý tưởng về giá trị tự do, bình đẳng, bác ái mà nhiều thế hệ người dân Mỹ luôn khao khát hướng đến. Vạn Lý Trường Thành ngoài việc gắn liền với mục tiêu bảo vệ Trung Hoa khỏi cuộc tấn công của người Hung Nô và còn thể hiện cả niềm tự hào chảy trong dòng máu các thế hệ người dân đất nước này. Những công trình kiến trúc mê hoặc của Pháp chịu ảnh hưởng bởi La Mã và Hy Lạp là hai đế chế đã từng phát triển rực rỡ ở Châu Âu hướng đến sự tôn nghiêm, quá khứ với những câu chuyện thần thoại huyền bí.
Con người và cảnh quan ở bất cứ nơi nào cũng cần có sự hòa quyện một cách tự nhiên và hài hòa. Các công trình và quy hoạch đều là sự kế thừa giá trị được xây dựng qua lịch sử phát triển và văn hóa của một cộng đồng. Quá trình thay đổi và bồi đắp thêm của kiến trúc cũng phải tương thích với sự phát triển và bối cảnh của xã hội tạo thành một mối tương quan chặt chẽ và nhịp nhàng. Nếu sự liên kết đó bị đứt gẫy thì sẽ tạo ra rất nhiều trục trặc và khủng hoảng gây nên những bất ổn khó giải quyết bằng những biện pháp kỹ thuật thông thường.
Để hiểu giá trị truyền thống của TP.HCM, chúng ta hãy thử ngược dòng nhìn lại những dấu mốc lịch sử của vùng đất này. Trước khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào kinh lý miền Nam, Thành phố lúc này chỉ là một phần của dải đất phương Nam thấp trũng với nhiều sông ngòi đan xen, dân cư thưa thớt và chuyên về hoạt động nông nghiệp. Điều gì đã giúp một vùng đất chẳng có gì đặc biệt có thể tách ra trở thành một phố thị phồn hoa đô hội như ngày nay?
Sài Gòn xưa được chọn là nơi tập trung trao đổi hàng hóa giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL do vị trí địa lý mang tính kết nối và có hệ thống sông ngòi đan xen. Ưu thế vị trí địa lý mà dòng sông Bến Nghé tạo ra giúp vùng đất này có cơ hội trở mình. Kể từ khi Chúa Nguyễn xác lập được quyền cai trị, xây dựng nên một trật tự xã hội mới để tạo tiền đề phát triển các ngành kinh tế thương mại và dịch vụ, sau này đã trở thành thế mạnh của Thành phố.
Gia Định Thành là tên gọi trước đây của Quận 1 và Quận 3 được xây dựng cùng với việc đào các kênh nối liền sông Bến Nghé đẩy mạnh sự phát triển của vùng Chợ Lớn, sau này thường được gọi là Sài Gòn Chợ Lớn. Lúc này, Thành phố đã bắt đầu mang dáng dấp của môt đô thị lớn, năng động, là nơi hội tụ của các cơ hội và tiềm năng phát triển.
Ngay cả người Pháp khi đến Sài Gòn cũng đã nhận ra vị thế vô cùng thuận lợi của nơi đây và giá trị của con sông Bến Nghé. Với kinh nghiệm và tham vọng của một đế quốc phát triển, họ đã cho xây dựng Thành phố Sài Gòn mới và cảng Sài Gòn ngay vị trí quận 1 và quận 4 tạo thành một đô thị hoa lệ và hệ thống cảng bên bờ hữu ngạn sông Sài Gòn, giúp vùng đất này vươn lên thành một trong những thành phố phát triển nhất Đông Nam Á. Danh hiệu “hòn ngọc viễn đông” cũng bắt đầu có từ lúc này gắn liền với các công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga khiến cho cả thế giới phải nhìn về nơi đây. Nhưng cốt lõi đằng sau sự thịnh vượng của Thành phố có lẽ không đơn giản chỉ đến từ những hình thái vật chất thịnh vượng ấy.
Qua 300 năm phát triển để có thể trở thành TP.HCM của ngày hôm nay, sự đổi mới có thể khiến cho các giá trị vật chất mới xuất hiện và cũ mất đi, nhưng có một thứ vẫn âm thầm chảy dọc theo từng bước đi của Thành phố, đó là sông Sài Gòn. Hệ thống cảng Sài Gòn đang tiếp tục được di dời ra khỏi sông Sài Gòn để tiến dần ra Biển Đông, phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới. Ở mỗi giai đoạn, sông Sài Gòn có thể có những tên gọi hay vai trò khác nhau gắn liền với nhu cầu phát triển của Thành phố, nhưng tầm quan trọng của con sông này là không thể phủ nhận. Có thể nói dòng sông này chính là linh hồn của Thành phố, như dòng máu của người dân nơi đây.
Sông Sài Gòn ngày nay gắn liền với các khu công nghiệp nằm dọc hai bên sông tồn tại nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm lên hệ thống huyết mạch của Thành phố, ảnh hưởng đến chức năng cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các công trình lấn sông có thể khiến cho diện tích con sông bị thu hẹp lại, vừa gây mất cảnh quan tự nhiên của Thành phố, vừa tăng nguy cơ ngập nước vào mùa mưa.
Để tìm ra một biểu tượng tạo cảm hứng cho Thành phố và cả nước đi lên, nếu chúng ta cứ theo đuổi ý tưởng xây dựng lên những tòa nhà chọc trời phủ kính tráng lệ hay những pho tượng to lớn mà bỏ qua những giá trị truyền thống thì hậu quả của việc bê tông hóa sẽ còn khiến vùng đất này phải đối diện với rất nhiều trục trặc khó giải quyết. Vậy có khác gì chúng ta đang cố gắng đeo trang sức vòng vàng lên một cô gái để làm cho cô ấy đẹp hơn trong khi lại khiến cho tâm hồn cô ấy trở nên trống rỗng đến mức vô cảm?
Trần Hương Giang
Theo cafeland