Gói kích thích phục hồi kinh tế giai đoạn 2022- 2023 tác động ra sao tới thị trường chứng khoán?

Ngày đăng: 03/11/2021

Chia sẻ

Mức P/E 17, VN-Index đang được định giá không còn rẻ nhưng cũng không đắt và chưa có bong bóng chứng khoán. Do đó, không nên đầu tư theo phong trào.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021. Đây là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Nội dung cụ thể của chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gồm: Chính sách giảm thuế, cắt giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, cấp bù lãi suất cho vay của một số ngành, tạo cơ chế cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước (SCIC) mua lại, đầu tư vào các doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng đang gặp khó khăn. Mục tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, thúc đẩy dùng nguyên liệu trong nước và chuyển đổi số. Chương trình có một số chính sách mới như giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ cho mục đích kích cầu tiêu dùng, cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về trước. Kinh phí cho chương trình này khoảng 370.000 tỷ đồng.

Chương trình phục hồi cũng có chính sách đặc biệt hỗ trợ với các ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh như hàng không, du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản, khởi nghiệp sáng tạo…

Chương trình phát triển hạ tầng giao thông dự kiến kinh phí 220.000 tỷ đồng, phát triển nhà ở cho công nhân - nhà ở xã hội khoảng 55.000 tỷ đồng….

Cơ sở để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích kĩ các yếu tố quy mô nợ công năm 2021 khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều mức cảnh báo 55% GDP. Quy mô dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD. Lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định đây là nguồn lực huy động quan trọng để sử dụng nguồn vốn vào phục hồi kinh tế. Đặc biệt, không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm. Lạm phát được dự báo còn ở mức thấp, lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn còn có thể giảm thêm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi còn dư địa giảm. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh làm giảm áp lực các kênh huy động qua tín dụng. Quy mô kiều hối khoảng 18 tỷ USD mỗi năm sẽ hỗ trợ cán cân thanh toán.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD). Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Nhiều ý kiến lo ngại rằng chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay 800.000 tỷ đồng sẽ tác động và gây bong bóng cho thị trường chứng khoán. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia, công ty chứng khoán về tác động của chương trình phục hồi kinh tế đến lĩnh vực chứng khoán.

800.000 tỷ nhưng hỗ trợ đi đúng trọng tâm sản xuất kinh doanh

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định đây là một chương trình có trọng điểm, hỗ trợ có chọn lọc. Sau đại dịch Covid-19 doanh nghiệp, nền kinh tế đang rất khó khăn, nhu cầu phục hồi là rất cần thiết. Con số 800.000 tỷ là ước tính, mang tính chủ trương còn thực hiện như thế nào sẽ chia từng giai đoạn, lĩnh vực cụ thể sau khi được thông qua.


Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS)

"Đại dịch ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế đất nước ta, việc hỗ trợ người yếu thế, hay giảm thuế phí, hạ lãi suất - cấp bù cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để SCIC mua lại các doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ hàng không - du lịch, lĩnh vực thiết yếu khác bị đình trệ là rất quan trọng. Song việc này cần phải tập trung vào đối tượng cần, đúng nhóm doanh nghiệp bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh", ông Tuấn nhấn mạnh nội dung phát triển hạ tầng, đầu tư công được đẩy mạnh cũng quan trọng trong chương trình phục hồi này bởi trong 2 năm đại dịch qua thì việc giải ngân gặp khó khăn.

Ở góc độ nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng chương trình phục hồi kinh tế quy mô lớn sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhanh chóng, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp thông qua thuế phí sẽ góp phần đưa GDP sẽ tăng trưởng trở lại.

Các ngành được hưởng lợi, theo ông Tuấn là các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp trúng thầu đầu tư công. Với các ngành như hàng không - du lịch thì gói hỗ trợ chỉ mang tính chất hỗ trợ, bơm máu cho doanh nghiệp sống sót chứ không mang tính quyết định. Bởi lẽ với ngành hàng không, điểm quyết định không phải là bơm bao nhiêu vốn mà phải là mở cửa kinh tế, mở cửa bay quốc tế trở lại, từ đó mới tạo ra dòng tiền thực theo đúng chiến lược "sống chung với Covid-19".

"Ngay cả du lịch cũng vậy, phải mở cửa cho khách quốc tế, mở cửa cho du lịch trong nước, không thể đến sân bay lại xét nghiệm phức tạp rồi đủ thứ thủ tục. Góc nhìn cốt lõi vẫn là bình thường hóa như thế nào, người dân phải được đi du lịch thoải mái, mở cửa với quốc tế. Chứ bơm vốn, giảm thuế phí, cấp bù lãi suất cũng chỉ giúp doanh nghiệp sống sót", ông Tuấn phân tích.

Trong khi đó ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng chương trình phục hồi kinh tế đã được bàn sâu rộng mấy tháng qua, gần đây Chính phủ, Bộ ngành nói đến rất nhiều cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế sau khi GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17%.
 

Bản chất của chương trình phục hồi kinh tế là khơi thông nguồn tiền các các ngân hàng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như tiêu dùng, hàng không, du lịch… Thực tế, hiện nay nhà băng thì thừa tiền, nhiều tiền nhưng lại không dám cho vay vì sợ nợ xấu. Hệ thống dư tiền nên lãi suất dù hết dư địa giảm thêm nhưng vẫn chưa tăng lại bởi bản chất không giải ngân được thì làm sao lãi suất tăng.

Khi có chương trình phục hồi này của Chính phủ, các nhà băng sẽ mạnh dạn cấp vốn để các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ nhanh chóng hoạt động, phục hồi sản xuất, tránh đứt gãy cung cầu.


Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta

Các nước trên thế giới, ngay cả Mỹ, sau dịch bệnh Chính phủ cũng tung loạt các gói kích thích để kích thích tiêu dùng gián tiếp kích thích đầu ra giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn. "Ngân hàng Nhà nước không thể cấp vốn cho chứng khoán, bất động sản bởi chúng đang quá nóng và cần hạn chế, vậy lúc này chỉ còn kích cầu qua tiêu dùng, bán lẻ. Mục đích đẩy tiêu dùng tăng lên. Thường các chính sách tài khóa sẽ đi thẳng vào sản xuất, doanh nghiệp giúp họ tiết giảm chi phí đầu vào, khác với các chính sách tiền tệ", ông Minh phân tích.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng thường các chính sách tiền tệ, dòng tiền nóng được bơm ra sẽ tác động ngay đến thị trường chứng khoán, bất động sản. Nó sẽ gây ra bong bóng tài sản nếu như không được kiểm soát, còn chính sách tài khóa tức giảm thuế phí, lãi suất như trong chương trình phục hồi kinh tế 800.000 tỷ lần này đi vào đúng trọng tâm là các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh nhất. Đây cũng chính là những ngành được hưởng lợi như hàng không, du lịch, ngân hàng, thủy sản, dệt may… Riêng lĩnh vực đầu tư công mức độ hưởng lợi sẽ phụ thuộc vào tốc độ giải ngân.

Chứng khoán Việt chưa có bong bóng

Ông Hoàng Công Tuấn cho biết, ngay sau khi có tin đồn về chương trình phục hồi kinh tế, thị trường chứng khoán đã tăng rất nhanh, nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy đã nắm bắt cơ hội này. Đó là mang tính đầu cơ kỳ vọng.

"Thị trường chứng khoán luôn tồn tại yếu tố kỳ vọng, cổ phiếu tăng vì nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp quý tới, năm sau sẽ tốt lên. Nhưng khi các gói kích thích thẩm thấu vào doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất tốt lên thì giá cổ phiếu lại không tăng nữa, bởi những điều tốt đó đã phản ánh vào giá rồi", ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia cũng khẳng định với mức P/E 17, VN-Index đang được định giá không còn rẻ nhưng cũng không đắt và chưa có bong bóng.

"Nếu như các gói kích thích kinh tế được tung ra thiếu kiểm soát sẽ gây tín dụng chảy vào chứng khoán, bất động sản nhiều từ đó sinh ra bong bóng. Chúng ta đã trải qua năm 2011 như thế sau khi các gói kích thích kinh tế, cấp bù lãi suất năm 2009 được thẩm thấu.

Với chương trình phục hồi kinh tế này, Chính phủ đã rút kinh nghiệm rất nhiều, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Do đó, không quá lo ngại. Còn chứng khoán là sự kì vọng, có thể trong đại dịch doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn nhưng triển vọng năm sau của họ tốt thì giá cổ phiếu vẫn tăng, nhà đầu tư mua vì kì vọng năm sau.

"P/E 17 là bình thường, năm 2018 P/E là 23 và trước đó năm 2007 còn P/E tới 35. Hiện nay chứng khoán không còn rẻ do đó không thể đầu tư ào ào theo phong trào mà phải chắt lọc", ông Tuấn phân tích.

Cùng chung nhận định về việc thị trường chứng khoán mang tính kỳ vọng, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng chứng khoán có thể tăng trước, phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư sau đó chương trình phục hồi kinh tế mới bắt đầu thẩm thấu vào các con số trên báo cáo của doanh nghiệp.

"Thị trường thường có giai đoạn rất nóng sau đó chững lại đi ngang để chờ các gói tài khóa phát huy tác dụng, khi doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại lúc đó thị trường sẽ phân hoá, định giá lại. Gói tài khóa như giảm thuế phí, cấp bù lãi suất…bản chất là tạo ra tăng trưởng thực, không phải tăng trưởng kỳ vọng.

P/E của VN-Index hiện nay khoảng 17 chưa phải là cao, thị trường chứng khoán hay có xu hướng phản ứng trước, đến khi sự đã rồi có khi nó không còn tăng mạnh như trước nữa", ông Minh lưu ý.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Trong khi đó, dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, năm 2021 ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dịch bệnh có tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, cần lấy khó khăn, thử thách làm động lực phấn đấu, vươn lên, tranh thủ cơ hội để đưa đất nước sớm phục hồi và phát triển nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2025 đã đề ra.

Bạch Huệ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP