Trong đoạn đầu tiên của cuốn Planet of Slums của học giả Mike Davis, điểm ngưỡng của đô thị hóa toàn cầu được gợi ra như sau:
“Trong một hoặc hai năm tới, một người phụ nữ sẽ sinh ra một đứa trẻ ở khu ổ chuột Ajegunle, một chàng trai trẻ sẽ rời khỏi ngôi làng của mình ở phía Tây Java để đi tìm ánh sáng thị đô của Jakarta, hay một người nông dân cùng gia đình nghèo khổ của mình sẽ dời đến một trong vô ngàn những khu nhà ổ chuột pueblos jovenes của Lima. Các sự kiện chính xác sẽ trôi qua mà chẳng ai để mắt tới. Tuy nhiên, nó hàm chứa một bước ngoặt trong lịch sử loài người, có thể đem so được với cách mạng kỷ đồ đá hay kỷ công nghiệp: Lần đầu tiên, dân số đô thị trên trái đất sẽ vượt qua dân số nông thôn. Thật vậy, nếu ta kể đến những sai số của những cuộc điều tra dân số ở Thế giới thứ ba, có lẽ bước chuyển kỷ nguyên này đã diễn ra rồi.” (Davis 2006)
Giả thuyết của Henri Lefebvre cho rằng xã hội đã hoàn toàn được đô thị hóa càng ngày càng được các học giả phân tích và diễn giải khi quan sát những hiện tượng đô thị mới ở những TP khác nhau trên toàn cầu. Sự phát triển vũ bão của các đô thị ở châu Á và châu Phi; những dự án đô thị tiền tỷ với biệt thự, sân vườn và tòa nhà chọc trời giữa sa mạc của Dubai; những khởi xướng hợp tác công – tư đa quốc gia để xây dựng các TP thông minh hay bền vững trên thế giới… là một vài ví dụ của quá trình đô thị hóa hành tinh này (Brenner 2015). Ở Việt Nam, những diễn ngôn phát triển với định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa cũng dần được thay thế bởi những cụm từ như: “TP thông minh”, “Phát triển bền vững”, hay “Cách mạng 4.0”, vốn yêu cầu những điều kiện vật chất mà TP có thể mang lại.
Đối với Henri Lefebvre, giả thiết về sự đô thị hóa hoàn toàn này giả định các quá trình đô thị hóa không còn là một hệ quả của những quay vòng tư bản, mà ngược lại, nó đã trở thành điều kiện cần của TBCN (hay theo David Harvey, là tích tụ tư bản qua quá trình đô thị hóa – Harvey 2019), và kết quả của quá trình này đã vượt qua những biên giới không gian thực của TP. Theo Ozan Karaman, điều này gợi ra một vài nhận định chính trị: Sự sản xuất vật chất trong không gian đã được thay thế bởi sự sản xuất không gian; sự phát triển kinh tế giờ đây phụ thuộc vào những quá trình sản xuất mang tính đầu cơ và những quá trình tiêu thụ được định hướng, với hệ thống tư liệu sản xuất phụ thuộc mật thiết vào quá trình nắm giữ, kiểm soát và phân phối thông tin; và mô hình đô thị hiện nay nhìn chung là mang tính đầu cơ/kỳ vọng.
Điểm qua những sự kiện ở TP thực tế, chúng ta có một vài nhận định ủng hộ quan điểm này: Những vector phát triển và cải tạo đô thị hiện nay gắn chặt với những dự án bất động sản (Shatkin 2017); giá trị kỳ vọng của đất đai đô thị và những gì có thể được xây dựng lên trên nó đã trở thành nguồn năng lượng chính của các động lực phát triển vùng; ảnh hưởng của thị trường bất động sản đến kinh tế ở mọi cấp độ là không thể đếm được (ví dụ là chính cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ vỡ thanh khoản của thị trường nhà đất ở Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, lãnh địa của quá trình sản xuất không còn được gói gọn trong các nhà máy hay xí nghiệp, mà đã được giải tỏa ra khắp mọi nơi, với nền kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng (sự tiêu thụ đã trở thành công việc lao động chính của xã hội hậu công nghiệp – Appadurai 1996), sự sản xuất các hàng hóa phi vật thể như văn hóa, hạ tầng xã hội hay dịch vụ tài chính yêu cầu một chế độ sử dụng đất đô thị linh hoạt, đa dạng hơn bao giờ hết, và không chỉ dừng lại ở không gian tư nhân. Hardt và Negri, nhìn nhận điều kiện xã hội hiện nay, nhận định rằng: Mô hình kinh tế – chính trị của multitude, quần chúng nhân dân, với sự phân chia lao động xã hội không còn chỉ dừng lại ở giai cấp công nhân; metropolis – đại đô thị – đã thay thế cho mô hình Marxian quen thuộc của giai cấp công nhân và nhà máy. Như vậy, câu hỏi về quyền đô thị (right to the city), với định nghĩa là tập hợp các quyền của mọi cư dân đô thị đối với việc tổ chức và sản xuất không gian đô thị, lại một lần nữa được đặt ra, khi mà giờ đây TP không chỉ là địa bàn mà còn chính là mục tiêu của cuộc đấu tranh giai cấp.
Những bất bình đẳng mới hàm chứa trong các phân tích đô thị đương đại được xem xét ở bản thân khía cạnh học thuật. Không khó để chúng ta thấy sự phổ biến của các mô hình lý thuyết đô thị phương Tây, từ mô hình “TP vườn” của Ebenezer Howard, “Đô thị hiện đại” của CIAM, đến “Đơn vị ở” của Clarence Perry, “Chủ nghĩa đô thị mới” (New Urbanism), và những lý luận về “Global cities” của Saskia Sassen… lý thuyết hóa những đô thị của những nước phát triển, bên cạnh diễn ngôn về phát triển và làm sao để áp dụng linh hoạt mô hình tổng quát cho những điều kiện đặc thù của những TP thuộc về “thế giới thứ ba”. Theo Marie Gibert, một nhà nghiên cứu đô thị thuộc Viện nghiên cứu CESSMA, khi chúng ta hình dung về không gian công cộng, chúng ta thường hình dung đến những quảng trường kiểu châu Âu rộng rãi thay vì chính những ngõ ngách phức tạp và đường phố của TP mà chúng ta đang sinh sống. Ozan Karaman cho rằng đây là một sự phân chia lao động trong chính ngành nghiên cứu đô thị, mà ở đó lý thuyết đô thị được sản xuất cho phương Tây, nhằm tạo ra các mô hình đô thị và đề xuất những chính sách phát triển, và lý thuyết phát triển được dành cho phần còn lại của thế giới, với những nghiên cứu thực nghiệm nhằm áp dụng các mô hình đô thị này (thông qua các tổ chức tư vấn toàn cầu).
Nhu cầu học thuật đối với nghiên cứu đô thị phê phán đến từ đây: Các mô hình tổng quát và hình ảnh về TP lý tưởng đơn giản là ít tính hữu dụng đối với các hiện tượng đô thị phức tạp hiện nay, với các điều kiện kinh tế xã hội đặc thù ở địa phương, kể cả khi chúng có sự tương đồng (ví dụ như hiện tượng gentrification – chỉnh trang đô thị – có hình thái khác nhau giữa các TP ở Mỹ và ở châu Á). Ngược lại, từ bỏ tất cả những tham vọng lý thuyết hóa để xây dựng một mô hình phát triển từ con số 0, thông qua những con số thống kê, những mô hình điện toán, một sự phát triển trung tính, và chúng ta sẽ bỏ qua những ảnh hưởng nhìn thấy được (một cách định tính, nhưng khó hơn về mặt định lượng) của chủ nghĩa tư bản toàn cầu lên việc xây dựng TP hiện nay. Nhu cầu cấp thiết được đặt ra: Chúng ta phải địa phương hóa lý thuyết đô thị (provincializing urbanism). Sự dịch chuyển hệ hình (paradigm shift) này không có nghĩa phủ nhận hết tất cả những kiến thức mà chúng ta đã biết về đô thị, mà là mở rộng chúng ra khỏi ranh giới của những đô thị kiểu mẫu. Về bước chuyển trong nhận thức luận này, các cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu đô thị thuộc nhánh hậu thuộc địa (postcolonial) hay nhánh tân Mác-xít (neo-marxist) vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là về vấn đề mức độ địa phương hóa / tổng quan hóa thế nào là phù hợp (Brenner and Schmid 2015).
Những thay đổi này có ý nghĩa thế nào với công việc nghiên cứu đô thị hiện nay? Thứ nhất, đối tượng nghiên cứu không còn chỉ là hình thái, hay kiểu cách, hay mô hình đô thị, mà là các tiến trình đô thị. Chúng ta có thể coi đây là việc tái định hình về phương diện bản thể luận của đối tượng đô thị: Đô thị luôn là một sự trở thành – Hay nói cách khác, chỉ có tiến trình sản xuất đô thị thay vì là một đô thị nhất định, và những TP mà chúng ta có thể nhìn thấy được là những lát cắt không gian tại một thời điểm nhất định của tiến trình này. Ozan Karaman diễn giải tiến trình sản xuất đô thị của Henri Lefebvre ra 3 phương diện chính: Những chuyển hóa vật chất trong lãnh thổ không gian, những chế độ quản trị hiện hành, và những trải nghiệm đô thị cũng như cuộc sống thường nhật, tương ứng với bộ ba perceived space, conceived space và lived space (Lefebvre 1992). Thứ hai, phương pháp luận trong ngành nghiên cứu đô thị cũng cần phải được cập nhật, với việc áp dụng linh hoạt những phương pháp định tính và định luận của khoa học xã hội và nhân văn có thể kể đến, như phương pháp dân tộc chí (ethnography), lập bản đồ mang tính khám phá từ dưới lên, từ những người được hỏi (exploratory mapping), quan sát và phân tính nhịp độ đô thị (rhythmanalysis), những cuộc phỏng vấn semi-directive bên cạnh những phương pháp thường thấy như thống kê số liệu và khảo sát kinh tế – xã hội thông qua bảng hỏi. Với các vấn đề đô thị đương đại nóng bỏng càng ngày càng được chú ý nghiên cứu, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc xem những phương pháp mới này sẽ được áp dụng thế nào và mang lại những kết quả nghiên cứu gì.
Vũ Trung Kiên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)